Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]






Đồng tác giả:

BÌNH HUYÊN













Cố nhạc sĩ Trịnh Hưng



Đồng tác giả: BÌNH HUYÊN

. Để kỷ niệm nhạc sĩ TRỊNH HƯNG







Paris đầu mùa Thu năm Quý-Mùi đẹp một cách lãng mạn với bao hàng lá xanh trộn lẫn lá vàng thêu dệt khắp nẻo đường. Nàng Thu đúng hẹn đâu đó với Nàng Thơ của Bình Huyên.

Lưng trời xao xuyến gió heo may,
Lối ướt cô liêu lá trải dày,
Mây lạnh giũ tà buông lụa trắng,
Mưa dài đan áo toả hương say…

Tuy nhiên, vỉa hè dẫn tới Hội Trường F.I.A.P. trên con đường thân quen Cabanis thuộc Quận 14 chiều Chủ Nhật mùng 5 tháng 10 không ướt và chẳng cô liêu. Từ các ngả đường, lẫn lộn với bóng dáng dân Parisiens, từng cặp, từng nhóm, đôi khi từng người lẻ loi, làm khu phố rộn ràng trong tiếng cười đầy hạnh phúc, giọng nói tràn ngập âm thanh khoan hoà của ba miền nước Việt, đi nhanh về phiá Hội Trường.

Khác với những lần trước ôm đồm báo chí trong bốn "cánh tay Hướng-Đạo", lần này Trọng-Bình và Thùy-Huyên tay không thoải mái bước đi bên nhau, xuống bậc ciment, và được hai cánh cửa tự động mở ra đón chào.

Người đầu tiên họ gặp là chị Kim-Ngư, hiền thê của anh Đỗ Đăng Di, người anh họ của Thùy-Huyên. Chị Kim-Ngư vui vẻ rời chiếc ghế dài bước tới gần Bình Huyên. Hai bên tay bắt mặt mừng. Để Thùy-Huyên đứng nói chuyện với chị dâu họ,Trọng-Bình đi xuống các bậc đá cẩm thạch để vào thính phòng Bruxelles, nơi được nhóm bạn trẻ thuộc Thư Viện DIÊN HỒNG hợp tác với gia đình nhạc sĩ TRỊNH HƯNG cùng một số văn nghệ sĩ và thân hữu tổ chức Chương Trình Nhạc Chủ Đề "TÔI YÊU".

Trong hành lang dẫn vào thính phòng, quan khách rộn ràng đi lại cho thấy trước một sự tham gia nồng nhiệt sắp xảy ra nơi đây.

Người thứ hai Trọng-Bình gặp là đạo diễn Trần Song Thu đang đứng chuyện trò với nhà nữ biên khảo trẻ tuổi Kim Lam. Ba người trao đổi nhau những nụ cười tươi sáng và những lời nói chân tình sau gần bốn tháng không gặp mặt. Đoạn, Trọng-Bình cáo lỗi hai người, bước lại gần chiếc bàn dài trên có bày các cuốn sách nhạc cùng CD "Tôi Yêu" của Trịnh Hưng bên cạnh các CD tác phẩm mới của sáu ca nhạc sĩ trẻ Mộng Trang, Trang Thanh Trúc, Ngô Càn Chiếu, Lê Hoài Anh, Trần Lê Khang, và Nguyễn Linh Quang.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng đang ngồi làm bút ký cho những cuốn sách nhạc được quan khách chiếu cố. Bên cạnh nhạc sĩ là Bích Chi, con gái út của ông. Sau lưng ông là cô con gái thứ nhì tên Huyền Trinh De Léotard cùng hai con trai kháu khỉnh thông minh đang nhìn ông ngoại làm văn nghệ. Cháu trai thứ ba đang đi cất xe với bố của cháu là Bruno De Léotard. Ngoài hai cô con gái kể trên, nhạc sĩ Trịnh Hưng còn có hai cô con gái nữa, Phương Trang và Cẩm Đài, và một cậu con trai Phước Đạt. Tất cả đều học hành thành tài. Đó là nguồn hạnh phúc duy nhất của người nhạc sĩ lão thành hiện nay.

Sau khi bắt tay Trịnh Hưng cùng đáp lại lời chào của con cháu ông, Trọng Bình đi tới đầu bàn đàng kia mua hai vé vào cửa mỗi vé mười euros, rồi trở lại chỗ Bích Chi mua một cuốn sách nhạc "Tôi Yêu" đưa cho Trịnh Hưng làm bút ký. Người nhạc sĩ lão thành vui vẻ trong bận rộn, ghi chữ ký tên vào sách đưa cho Trọng Bình kèm theo một cuốn CD "Tôi Yêu", nói :

- Tặng anh chị Bình Huyên.

Trọng Bình nhận quà tặng, cám ơn tác giả, đúng lúc Thùy-Huyên từ trên đi xuống tới cạnh chồng. Khi nàng và Trịnh Hưng chào hỏi nhau xong, Huyền Trinh De Léotard nói như reo lên :

- Cô Huyên ! Trời ơi ! Cháu chỉ gặp cô trên điện thoại, biết cô qua tiếng nói tươi trẻ, hôm nay mới gặp mặt, thấy rằng dung nhan với tiếng nói của cô rất hoà hợp với nhau.

Hai thiếu phụ, một lớn một nhỏ, trao nhau chiếc hôn má đậm đà. Huyền Trinh De Léotard đưa máy chụp ảnh cho một bà bạn, nhờ bà ta chụp vài tấm cho nàng với hai con trai của nàng cùng thân phụ là Trịnh Hưng đứng cạnh cặp Bình Huyên. Có cả Bác sĩ Nhà văn Trần Đại Sĩ.







Quan khách nườm nượp bước xuống hành lang thính phòng Bruxelles. Trong số, có những khuôn mặt quen thuộc : Bạch Yến Trần Quang Hải, học giả kiêm nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, bác sĩ nhà văn Trần Đại Sĩ và phu nhân, giáo sư Phạm Thị Nhung và phu quân Nguyễn Đại Dương, nhà văn kiêm nhạc sĩ Mạnh Bích và phu nhân Bích Khuê, bác sĩ Nguyễn văn Ba tức thi sĩ Văn Bá và phu nhân Sylviane, nghệ sĩ Phạm Ngọc từ Hoa Kỳ sang, nhạc sĩ Xuân Lôi, bà Vũ Thị Hiền, bác sĩ Nguyễn Bá Linh, nhà báo Tô Vũ, nhà báo Quan Công-Minh, nghệ sĩ Trần Nghĩa Hiệp, chiến sĩ VNCH Nguyễn Sơn, thi sĩ Hoài Việt, đại diện Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris Phạm Thị Phương Khanh và phu quân Lê Như Quốc Khánh, đại diện Thư Viện Diên Hồng Đỗ Đăng Siêu, cùng các nhân vật khác chưa biết tên và một số quan khách Tây phương, trong có các ông De Léotard Bruno, ông Lamoureux Yves…

Hai cháu nhỏ cầm vé có ghi số đưa Bình Huyên vào chỗ ngồi. Lúc bấy giờ hai người mới rảnh tay mở xem hai tác phẩm của Trịnh Hưng và tài liệu Chương Trình Nhạc Chủ Đề.

Trước hết là cuốn sách nhạc "Tôi Yêu" Tình Khúc Dân Ca Quê Hương Việt Nam. Ngoài bìa có hình vẽ thiếu nữ bên giàn lá chuối rất nghệ thuật của hoạ sĩ Vũ Thái Hoà. Trình bày ấn loát của Graphidactyl Aimée VÉRON. Bên trong ghi rõ Trịnh Hưng là hội viên hội Bản Quyền tác giả nhạc (Sacem). Sách nhạc chia làm ba phần. Phần Một với chủ đề "Tôi Yêu Quê Hương" gồm chín nhạc bản : Tôi Yêu, Lối Về Xóm Nhỏ, Lúa Mùa Duyên Thắm, Trăng Soi Duyên Lành, Tình Thắm Duyên Quê (cùng sáng tác với Trúc Phương), Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa, Tiếng Ca Dân Lành, và Sài Gòn Ơi Xa Em Rồi. Phần Hai với chủ đề "Yêu Chúa" gồm ba nhạc bản : Con Có Chúa, Ngợi Khen Cha, Tạ Ơn Chúa (thơ Đỗ thị Nga). Phần Ba với chủ đề "Yêu Tình Người" gồm tám nhạc bản : Tìm Quên, Chỉ Yêu Cuộc Tình (thơ Đỗ Bình), Có Bao Giờ Anh Nhớ (thơ Hoàng Huyền Thanh), Đất Đẹp Miền Nam (thơ Hoàng Trùng Dương), Dấu Xưa (thơ Hoàng Bích Đào), Mẹ Là (thơ Trọng Nghĩa), Nhớ (thơ Nguyễn thị Vinh), Nhớ Quê (thơ Nguyễn văn Cương).

Lần này, trong cuốn sách nhạc mang chủ đề "Tôi Yêu", nhạc sĩ Trịnh Hưng đã không để một nhạc bản chứa đựng cả một vũ trụ kỷ niệm đau thương. Đó là nhạc bản Ta Quyết Tâm Giết Tan Lũ Hồ mà cách nay gần hai chục năm ông đã để hận thù ứa ra từ con tim một người yêu nước thương nòi, nhất là hàng triệu đồng bào từng bị giặc cộng cướp đi mạng sống, trong đó có cả đứa con trai thân yêu của ông, thành nhạc và lời sau đây.

Đau xót thay người dân vùng thành đô
Đang sống trong thành đô như nấm mồ
Đêm tối ngày chỉ nghe sui đấu tố
Ôi dã man thay cho lũ Hồ
Anh thấy chăng thành đô một chiều Thu
Trông chúng mang nhà tu đi nhốt tù
Đêm tối ngày lùa đi như con thú
Coi mắt ta có như mắt mù
Bao giờ giặc Cộng kia không còn
Ta về cùng toàn dân chào đón
Đây đó lớp lớp dân mừng vui
Trai gái lối xóm luôn cười tươi
Thôn xóm có những tiếng chày rơi
Có cô thôn nữ cười quyện theo hương cơm mới
Ta quyết tâm diệt tan loài Cộng nô
Anh thấy chăng toàn dân đang ngóng chờ
Dân nước Việt cùng nhau ta ghi nhớ
Ta quyết tâm diệt tan lũ Hồ.

Bản nhạc theo điệu modérato này chưa từng được trình bày tại quốc nội đã bị tịch thu trong một vụ ruồng bố theo kiểu Tần Thủy Hoàng, và đã được tác giả đóng dấu ấn bằng tám năm tù đầy khổ cực. Nhưng lời ca tiếng nhạc đã in sâu trong tâm khảm người nhạc sĩ, theo ông tháo cũi xổ lồng sang vùng đất tự do, đang được phổ biến nơi hải ngoại và sẽ trở thành nhạc bản xuất quân khuyến khích toàn dân vùng lên đánh đuổi giặc cộng tham tàn phản quốc !

Cuốn CD "Tôi Yêu" Tình Khúc Dân Ca Quê Hương Trịnh Hưng được trình bày công phu : Mặt trước cũng in hình mầu vẽ thiếu nữ bên giàn lá chuối rất nghệ thuật của hoạ sĩ Vũ Thái Hòa làm nền cho nhan đề "TÔI YÊU"; mặt sau có chân dung nhạc sĩ Trịnh Hưng tươi cười trên chương trình của diã nhạc để đời, ghi nhan đề mười hai nhạc bản chọn lọc, tên các ca sĩ trẻ trình bày với giàn nhạc tối tân cùng kỹ thuật hoà âm thu thanh tuyệt vời của David Đông : Tôi Yêu (Hoàng Thái Quốc) – Lối Về Xóm Nhỏ (Ngọc Điệp) - Tiếng Ca Dân Lành (Ngọc Loan) – Trăng Soi Duyên Lành (Quốc Đại) – Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa (Ngọc Loan) – Đất Đẹp Miền Nam (phổ thơ Hoàng Trùng Dương, Hoàng Thái Quốc hát) – Lúa Mùa Duyên Thắm (Ngọc Điệp) – Tình Thắm Duyên Quê (Ngọc Loan và Quốc Đạt) – Tìm Quên (Trường Lâm) – Có Bao Giờ Anh Nhớ (phổ thơ Hoàng Huyền Thanh, Phương Thùy hát) – Chỉ Yêu Cuộc Tình (phổ thơ Đỗ Bình, Trường Lâm hát) – Sài Gòn Ơi Xa Em Rồi (Tấn Đạt).

Chương trình Nhạc Chủ Đề gồm hai phần.

Phần thứ nhất : Giới thiệu một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Hưng.

Phần thứ hai : Giới thiệu sáng tác mới của sáu nghệ sĩ trẻ.

Tổ chức kỹ thuật gồm có :

- Giới thiệu chương trình : Huệ Châu - Đăng Siêu

- Âm nhạc : Mộng Trang - Trần Lê Khang - Lê Hoài Anh - Ngô Càn Chiếu - Xuân Sơn - Quốc Dũng - Quang Đạt

- Âm thanh : Từ Hoàng – Nguyên Diễm

- Hình ảnh : Nguyên Phương - Linh Quang

- Ban tiếp tân : Thiên Nga - Thùy Vân - Thiên Hương - Thảo Sương - Phương Thảo - Phương Khanh - Anh Thư - Vũ Minh - Duy Tiến - Quang Huy - Quốc Hiệp - Xuân Thành.

Qua trao đổi điện thư, theo lời yêu cầu của Trịnh Hưng, Bình Huyên đã chuyển cho chị Lưu Hồng Phúc bên Hoa Kỳ nội dung tờ Quảng Cáo về buổi trình diễn Nhạc Chủ Đề "Tôi Yêu". Chị Hồng Phúc hứa sẽ điện thoại phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Hưng vào lúc 3 giở sáng ngày Thứ Năm 16 tháng 10 năm 2003 cho kỳ phát thanh tới.

15 giờ 20. Thính phòng Bruxelles với hơn hai trăm ghế ngồi có gắn bàn nhỏ tràn ngập khán giả ngồi đứng chuyện trò tưng bừng. Bên phải sân khấu có giàn âm thanh với các chuyên viên. Trên sân khấu khá rộng rãi có đầy đủ nhạc cụ cùng máy vi âm. Chung quanh thính phòng lác đác máy quay phim.

15 giờ 40. M.C. Đăng Siêu lên sân khấu mở đầu chương trình. Anh cho biết mặc dầu với ngân sách hạn hẹp, Thư Viện Diên Hồng luôn luôn cố gắng cải thiện tủ sách và tổ chức chương trình nhạc chủ đề hàng năm để giới thiệu các tác giả cùng tác phẩm cũ và mới.

Tiếp theo, học giả kiêm nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên lên máy vi âm thuyết trình trong ba mươi phút về thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Hưng. Ông cho biết thêm : Trịnh Hưng quê ở Bắc Ninh (quê ngoại của Nguyễn Du), ngày xưa là học trò nhạc sĩ Tạ Phước, đã trở thành giáo sư âm nhạc ở trong nước, đóng góp vào kho tàng tân nhạc Việt Nam những tác phẩm giá trị hoà hợp nhạc Tây, Tầu và cổ Việt Nam, và khi lưu vong bên Pháp ông không những vẫn tiếp tục sáng tác âm nhạc mà còn làm thơ viết văn phổ biến trên các báo chí hải ngoại.

Để đáp lại sự mong chờ thưởng thức nhạc Trịnh Hưng của khán giả thuộc mọi giới, bác sĩ kiêm ca sĩ Tố Lan (con gái của giáo sư Phạm Thị Nhung và ông Nguyễn Đại Dương) lên sân khấu trình bày bản Tôi Yêu theo điệu modérato trong sáng vui tươi với giọng ca ngọt ngào truyền cảm và cách phát âm tinh vi dẫn đưa vào lòng khán giả cảm xúc yêu quê hương, yêu vạn vật, và cả mối tình đầu muôn thuở.

… Và yêu mối tình nở hoa, ngàn năm không hề phai nhoà.

M.C. Huệ Châu duyên dáng trong chiếc áo dài màu hồng tiếp tục giới thiệu chương trình ca nhạc.

Phương Khanh và Đăng Siêu trình bày bản Lúa Mùa Duyên Thắm theo nhịp điệu mambo-boléro thật vui nhộn trong y phục đồng quê miền Nam nước Việt, gợi nên bao hình ảnh rực rỡ của cánh đồng lúa chín mang lại sức sống , hồn quê, và duyên tình chất phác.

… Người sống vui tình thắm vương hồn quê, gạo trắng trong mà nên duyên hẹn thề.

Cặp uyên ương Kim Tuấn Bạch Thảo hiến khán giả bài hát Con Có Chúa, bên cạnh nghệ sĩ Lê Hoài Anh đệm Tây ban cầm và hát bè khiến lời ca càng thêm phong phú, làm tâm hồn khán giả trở nên thanh thoát trong niềm tin nơi Thượng Đế toàn năng.

Con có Chúa, con không lạc lối…

… Alleluia Alleluia … Con tôn kính trọn đời tạ ơn Cha.

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Mộng Trang trình bày bản Ru Em của Trịnh Hưng phổ thơ Phạm Ngọc, hoà âm Quốc Dũng, theo điệu Rumba một cách đam mê, truyền cảm, đầy sinh lực.

… Ru em vào cõi tình thơ
Ru ta tượng đá trơ vơ giữa trời
Mưa dầm nắng hạn chơi vơi
Rêu phong phủ kín cuộc đời trăm năm.

Để kết thúc phần giới thiệu tác phẩm Trịnh Hưng, ban tứ ca Quốc Khánh – Phương Khanh – Mộng Trang – Đăng Siêu lên trình bày nhạc bản Lối Về Xóm Nhỏ một cách sống động, lôi cuốn toàn thể khán giả vào không khí vui nhộn bằng tiếng vỗ tay theo nhịp đàn hát, như cùng nhau rộn ràng trở về làng xưa hưởng lại hương vị lúa ngọt, trái cây chín, hơi ấm hoàng hôn trên má hồng thôn nữ, ánh trăng hiền lấp lánh trên mái tóc mượt mà của các em nhỏ, giọng hát cô lái đò vang vang trên sông Cửu Long.

Vầng trăng nghiêng soi mái tóc em thơ…
… Đường về thôn niềm vui dâng đó đây.

Thi Như dẫn nhạc sĩ Trịnh Hưng lên sân khấu cảm ơn Thư Viện Diên Hồng, toàn thể Ban nhạc, và các văn nghệ sĩ cùng thân hữu đã giúp phương tiện tổ chức buổi trình diễn ca nhạc "Tôi Yêu". Nhạc sĩ Trịnh Hưng nhận được hai bó hoa, một của Thư Viện Diên Hồng và một của đại diện đài BBC. Đoạn, ông bước xuống thính phòng, nhường chỗ cho những sáng tác mới của các nhạc sĩ trẻ có mặt sắp ào ạt xuất hiện như những cánh lá xanh biếc non tươi bên cạnh những cánh lá vàng còn ở trên cành, cùng nhau tô điểm cho đời những nét đẹp tuyệt vời lúc chớm Thu.

Nhạc sĩ Trang Thanh Trúc lên máy vi âm chào mừng cám ơn khán giả. Đăng Siêu phỏng vấn : Tác phẩm Trang Thanh Trúc do yếu tố nào, tài năng ấy phải chăng đến từ sự đau khổ ? Trang Thanh Trúc trả lời : Tài năng không hẳn đến từ đau khổ mà có thể do niềm vui, hạnh phúc mà ra ; trái lại, nhạc buồn có thể thay đổi âm điệu theo kỹ thuật phòng thâu. Đăng Siêu hỏi : Thế nào là kỹ thuật làm CD ? Trang Thanh Trúc đáp : Muốn làm một CD, người nghệ sĩ phải sáng tác, phải làm những công việc như phổ thơ, thả hồn theo cảm hứng đến bất chợt, tìm kiếm nguồn cảm hứng tạo nên việc sáng tác; sau đó, phải thực hiện hoà âm, rồi gửi tác phẩm tới phòng thu theo địa chỉ có được, cho chuyên viên biết ý định trong việc thu CD đồng thời tôn trọng sự tự do của phòng thu.

Tố Lan trở lại sân khấu chứng minh tài năng Trang Thanh Trúc bằng tình ca Những Ngày Tháng Không Tên , phổ thơ Phạm Ngọc, theo thể điệu nhạc pop hợp với tuổi trẻ, thổ lộ tâm tư bề bộn hiện tại quá khứ của nữ nghệ sĩ không ngừng đối mặt với ngoại cảnh vô tình lãnh đạm.

Những ngày tháng không tên
Tôi đi trong nỗi nhớ
và con đường thân quen
đã xa rồi một thuở

Tạt vào khuôn mặt - nắng
Chỉ một thoán bình minh
mưa – trăm ngàn giọt lạnh
trùng trùng vây bủa quanh …

Mộng Trang tiếp nối chương trình với bản Giọt Thời Gian Say diễn tả lúc Trang Thanh Trúc chia ly với bạn trong đêm Giáng Sinh 1997, theo tiếng đàn Tây ban cầm điệu ad lib gây trong lòng khán giả rung cảm nhè nhẹ mà sâu sắc.

… Lối xưa xa mù
Tiếng Thu rơi rớt lại
Cuộc đời lười biếng nói
Mong chờ bóng mưa tan …

17 giờ 10. Khán giả được ban tổ chức mời ra hành lang giải lao.

17 giờ 40. Chương trình nhạc chủ đề tiếp tục.

Nghệ sĩ Ngô Càn Chiếu, tác giả trường ca Đại Dương Đen, lên sân khấu trình bày nhạc bản của anh sáng tác Để Cho Nỗi Nhớ theo điệu nhạc pop diễn tả niềm thương nỗi nhớ một cách gia giết trăn trở với những lời ca ướt đẫm cảm xúc.

… Ngày đó tôi sẽ trở về quỳ xuống mảnh đất yêu thương …

Mộng Trang ôm đàn cho năm ngón tay mềm mại chạy đều trên dây kim khí, miệng kể lể, thì thầm những lời chia tay sau cùng qua bản Hoa Vẫn Nở Bên Đời.

… Giọt sầu vỡ tan rơi rớt trên bờ môi giá băng…

Đăng Siêu đưa vào máy vi âm tiếng hát nhẹ nhàng ấm áp của anh, diễn tả tình khúc Mộng của Nguyễn Linh Quang cho khán giả nhận thấy kết hợp tài tình thơ và nhạc, ảo và mộng của tác giả.

… em tiền kiếp nuôi giấc mơ tan giữa trời để lại tôi thôi…

Hai tay đàn Tây ban cầm tài hoa dẫn Mộng Trang trở lại máy vi âm kích thích cho nàng trở nên nhí nhảnh, nhõng nhẽo, trong tiếng hát vương nhiều hy vọng, qua nhạc bản của nàng sáng tác mang nhan đề Chờ. Lê Hoài Anh (tức Lê Như Quốc Khánh) với giọng opéra qua bản Sầu Tình chậm và buồn, cho khán giả thưởng thức một khía cạnh hiếm hoi trong tâm hồn người nghệ sĩ thích sáng tác những nhạc bản nhanh và vui. Huệ Châu cùng nhạc sĩ Nguyễn Linh Quang đứng sát lưng nhau trình bày bản Sát Na Yêu phổ thơ Dương Kiền, trông thật gợi tình.

Ta tìm ta không thấy
Không em và không tôi…
…Ta tìm ta đã thấy
Sát na em yêu tôi…

Ca nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu ca bản Biệt Khúc do chính anh sáng tác từ cảm hứng nhớ nhung mất mát trong thời gian ba tuần lễ vắng người yêu.

Cảm hứng dòng nhạc Lê Hựu Hà, Nam Lộc và Trường Kỳ đã từng mở đường cho phong trào nhạc trẻ trong nước thể hiện những trăn trở trước cuộc sống đầy hận thù lừa lọc, Mộng Trang, Trần Lê Khang, và Xuân Sơn trình bày nhạc bản của Trần Lê Khang mang nhan đề Ước Vọng, nguyện cầu một ngày Tình Yêu Nhân Loại sẽ nở trên đầu môi người dân Việt trong và ngoài nước…

Rồi ban tứ ca Huệ Châu - Mộng Trang - Đăng Siêu - Lê Khang, để tưởng niệm cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, đồng ca nhạc bản Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời trong khi khán giả vỗ tay theo nhịp đàn tiếng hát.

Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Chờ ngày xuôi tay trong kiếp người
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những phô trương và thấp hèn.

Sân khấu chợt đông dần lên với toàn thể Ban Tổ Chức giơ tay mời khán giả mở tấm Chương Trình có in bài Lối Về Xóm Nhỏ để cùng nhạc sĩ Trịnh Hưng hát lên :

Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca …

Hội trường Bruxelles vang dội tiếng hát hân hoan thương mến, ghi mãi trong lòng người buổi ca nhạc chủ đề mang đầy Tình Yêu tươi đẹp khôn tả trong sự kết hợp hai mầu lá vàng lá xanh bền bỉ trên ngàn cây trần thế, tượng trưng hai lớp người già trẻ Việt Nam vững vàng bước tới trên đường đời nơi hải ngoại, đoàn kết xây dựng nền văn chương nghệ thuật tinh tuyền cho giòng giống Lạc Hồng yêu chuộng Tự Do Nhân Bản. Bốn câu thơ mở đầu bài viết này nhờ vậy được nối tiếp sau đây.

Tình quê lắng nghẹn từng hơi thở,
Đất người xiết chặt vạn bàn tay
Chia sẻ thi văn ca vũ hoạ
Để ngày sau nhớ mãi ngày nay …



Đồng tác giả: BÌNH HUYÊN

Paris, France






Ý Kiến Đóng Góp



Thực hiện và kỹ thuật Website:

Lê Duy & Đan Thi



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com