Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]






Xin đọc tiếp những bài viết khác cũng trong trang này:

- Mặc Thiên: "Tôi nguyện dâng đời mình để hát cùng dân tộc" (Đỗ Quyên).

- Thế giới tình yêu Asia 57 (Dương Hà & Vương Thư Sinh).

- Asia Live Show 58: "Lá Thư Từ Chiến Trường" (Dương Hà & Vương Thư Sinh)








Cộng sản Việt Nam
săn lùng

DVD ASIA 57

Tin Việt Nam






Chỉ sau 2 ngày, tính từ ngày 15.2, khi những bản DVD đầu tiên của chương trình Asia 57 được tung ra tại Mỹ, tức vào ngày 17.2, những ấn bản sao chép bất hợp pháp của bộ DVD này đà lan tràn khắp Việt Nam.

Thế giới tình yêu là chủ đề của một chương trình ca nhạc DVD được nhiều người đến các tiệm bán băng đĩa nhạc tại Việt Nam hỏi mua vào tháng này. Giá bán của bộ đĩa này dao động từ 20.000 – 30.000 đồng. Tức rẻ hơn khoảng 10 lần, so với giá gốc được bán ra tại Mỹ và Châu Âu, Châu Úc.

Asia vẫn được coi là một trung tâm văn hoá của người Việt lưu vong có tư tưởng thù địch với chính quyền Việt Nam, vì vậy việc bán hay lưu trữ các sản phẩm của Trung Tâm này đều bị coi là phạm pháp.

Trước đây, khi tình hình chính trị trong nước chưa có chiều hướng đáng lo ngại với nhà chính quyền thì các bộ đĩa của Asia vẫn còn được bán rộng rãi, thậm chí được các tiệm đĩa giới thiệu hay quảng cáo vào các kỳ phát hành. Nhưng nay thì tình hình đã khác. Cùng với những vấn đề thời sự đi kèm với ca nhạc, các bộ đĩa của trung tâm Asia đã làm cho chính quyền Việt Nam lo ngại vì thông tin bất lợi với họ được quảng bá nhanh hơn. Trước những ngày phát hành mỗi chương trình, công an khu vực đã đến từng cửa hàng bán băng đĩa là nhắc nhở rằng nếu buôn bán các bộ đĩa Asia thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, phạt tiền hay tù.

Tuy vậy, nếu khéo hỏi, hầu như ai cũng có thể sở hữu cho mình một bộ đĩa mới nhất. Rất nhiều nơi sao chép đã cắt bỏ những phần giới thiệu bị coi táo bạo của các người dẫn chương trình, chỉ giữ lại phần ca nhạc. Tuy vậy, những phần giới thiệu như vậy giờ đây có thể tìm thấy rất dễ dàng trên các trang webvideo như You Tube hay Metacafe.

“Không cần giới thiệu, nghe bài hát cũng hiểu trung tâm này nói gì”, một người bán DVD tại Huỳnh thúc Kháng, quận 1, Saigon nói như vậy khi giải thích về việc bộ đĩa sao chép của anh có cắt bớt đi những phần giới thiệu có thể làm nhà cầm quyền Việt Nam tức giận.

Từ khoảng 4-5 chương trình gần đây, các bộ đĩa của Asia đang là tâm điểm chú của người yêu văn nghệ cũng như của giới công an ngành an ninh văn hoá, do gắn liền với các sự kiện thời sự, biến động trong nước.

Có người nói rằng các chương trình của Asia chủ trương chống Cộng rất rõ ràng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nền văn nghệ miền Nam tự do trước 75 đang được trung tâm này gìn giữ rất tốt.

Tác giả Mặc Thiên, một tác giả bí ẩn ở Quy Nhơn có bài hát nói về dân oan Việt nam trong chương trình Asia 57, đã nói trên một trang blog rằng công an văn hoá đã bắt đầu mở chiến dịch săn lùng mình.

Mặc Thiện là tác giả của bài hát Khóc Mẹ Dân Oan mà Trung tâm Asia cho vào cuốn Asia 57, do ca sĩ ca sĩ Như Quỳnh trình bày. Nạn dân oan khiếu kiện nói lên cái bội bạc, cái xoay lưng đối với các bà mẹ mà Mặc Thiện ám chỉ do lòng tham của nhà cầm quyền Cộng Sản trong bài hát.

Một ngày trần gian khóc thương mẹ dân oan
Ngại gì sương gió nuôi con qua khổ nạn
Nay con sang giàu mẹ sống cảnh lầm than
Đời oan trái đã gieo bao oán hờn
Cưu mang con rồi nay con phủi công ơn.

Tin Việt Nam



Mặc Thiên:
"Tôi nguyện dâng đời mình để hát cùng dân tộc"

Đỗ Quyên



Từ ngày 22/6/2007 - 18/7/2007, lịch sử Việt Nam đã chứng kiến cuộc biểu tình đòi công lý đông đảo và bi tráng nhất của dân chúng miền Nam chống lại những kẻ cướp đến từ phương Bắc. Nhiều người đã căm phẫn. Nhiều người nữa không giấu được xót xa. Có cả những người bất lực, chỉ có thể đứng nhìn đồng bào trong cơn hoạn nạn trước sự thờ ơ của chính quyền.

Bằng cách này hay cách khác, những người dân Việt Nam đã yểm trợ nhau, chia sẻ hoạn nạn. Trong đen tối đất trời quê hương, một nhạc sĩ đã tự nguyện rút lui vào thế giới underground, từ bỏ những ánh hào quang danh lợi để được hát lên nỗi đau của dân tộc. Người nhạc sĩ ấy tên là Mặc Thiên - nhạc sĩ bí ẩn nhất của năm 2007. Như anh từng tâm sự với Chứng nhân Lịch sử, anh không thể cho phép mình thản nhiên đứng ngoài số phận của giống nòi, không thể bưng mắt, bịt tai trước cảnh khóc than của đồng loại.





Khóc mẹ dân oan, của Mặc Thiên, Như Quỳnh trình bày



Ca khúc "Khóc mẹ dân oan" (Còn được biết với tên gọi ngắn gọn hơn là "Khóc mẹ") của anh đã nhanh chóng được truyền đi qua internet đến với những trái tim Việt Nam trên khắp năm châu và đã được Trung tâm Asia chọn giới thiệu trong chương trình Asia 57 qua tiếng hát của nữ ca sĩ Như Quỳnh. Tiếng vọng về từ đồng bào các nước đã chứng minh rằng trong cuộc chiến đấu chống bạo quyền độc tài toàn trị của dân chúng Việt Nam, người dân trong nước không đơn độc.

Nhận dịp ca khúc "Khóc mẹ dân oan" chính thức được phát hành, cộng tác viên của Chứng nhân Lịch sử tại Quy Nhơn đã tìm đến nhà nhạc sĩ Mặc Thiên và có cuộc trò chuyện dưới đây. Để bảo đảm sự an toàn cho cá nhân tác giả, chúng tôi xin được giữ bí mật hình ảnh của anh cũng như mọi thông tin khác liên quan đến Mặc Thiên.

Chứng nhân Lịch sử (CNLS): Xin anh cho biết trong hoàn cảnh nào anh đã viết tác phẩm "Khóc mẹ dân oan" và vì sao anh lại viết những lời như vậy?

Mặc Thiên: Đầu tiên, cho phép tôi được cảm ơn Chứng nhân Lịch sử đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này cũng như cảm ơn Trung tâm Asia và ca sĩ Như Quỳnh đã giúp hát lên ca khúc của tôi. Tôi muốn nói rằng tôi chỉ là một trong số rất nhiều những tác giả đã chọn con đường hát cho vận mệnh đất nước. Ca khúc "Khóc mẹ dân oan" cũng chỉ là một bài hát nhỏ bé trong số nhiều bài hát chưa có cơ hội được vang lên dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của chế độ này. Nhưng tôi cũng đồng thời khẳng định rằng sẽ không có sức mạnh nào đè bẹp được lòng dân. Không có bạo quyền nào cướp được trái tim của dân tộc.

Về ca khúc "Khóc mẹ dân oan", tôi đã viết ngay trong những ngày tháng diễn ra cuộc biểu tình của người dân miền Nam Việt Nam chống lại quân gian ác đã cướp đất đai, nhà cửa của mình. Báo chí nô dịch của nhà nước có thể gọi đó là cuộc "khiếu kiện đông người", nhưng tôi gọi đó là cuộc biểu tình chống chính sách ăn cướp của chính quyền từ những cấp rất cao chứ không chỉ của bọn cán bộ địa phương quen thói vơ vét, hà hiếp dân nghèo. Tôi đã không có điều kiện để vào tận nơi, để nhìn tận mắt cảnh khổ của bà con, nhưng qua những thông tin từ bạn bè văn nghệ sĩ, tôi biết bà con đã phải chịu đau khổ, uất ức đến bực nào. Nơi tôi ở đây cũng là một thành phố nhưng chỉ cần cán bộ phường đe nẹt một tiếng là người dân đã sợ điếng hồn. Không sợ sao được? Từ ngày có chế độ Cộng sản ở Việt Nam, bao nhiêu người đã chết, đã bị thủ tiêu bằng những hình thức man rợ nhất mà cuộc thảm sát năm 1968 ở Huế là vết đen Cộng sản sẽ không bao giờ rửa được dù họ có đổ hết bao nhiêu xà bông với hóa chất giặt tẩy loại mạnh nhất. Tội ác Cộng sản, tôi muốn dùng hai câu trong bài "Cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi để chỉ cho rõ. Đó là: "Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Nhơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi".

Người dân Việt Nam đã quen bị hà hiếp đến mức chịu đựng trở thành một đặc tính. Vậy thì tại sao họ lại dám đứng lên, cả ngàn người? Chỉ có một cách trả lời thôi. Vì cái mà bọn cướp bắt họ chịu đựng đã vượt quá sức chịu đựng của người dân. Nói cách khác là người dân đã không thể chịu đựng nổi. Bạn tôi ở Sài Gòn kể lại trong gần một tháng đó, những người dân nghèo đã bị trệt đường sinh sống. Họ bị chặn không cho nhận tiếp tế thức ăn, nước uống. Họ bị chặn không cho tắm rửa, không cho đi vệ sinh là những nhu cầu thiết yếu của một con vật chứ chưa nói là một con người. Ai là người Việt Nam không xót xa khi nhìn thấy những người mẹ già, những đứa em thơ dại phải dầm mưa, dãi nắng để đòi lại đất nhà? Nếu có một hay nhiều kẻ như vậy, tôi phải gọi đó là bọn vô lương tâm, là quân dã thú.

- Thưa anh, có một câu hát trong "Khóc mẹ dân oan" mà nhiều người chưa hiểu rõ lắm là câu "Mẹ biết sống sao đây khi đổi 10 lấy 1". Anh giải thích gì không?

- Cô có còn nhớ lần đổi tiền ở Việt Nam hồi năm tám mấy không (Cuộc đổi tiền ngày 14/9/1985 tại Việt Nam theo nguyên tắc 1 đồng tiền mới ăn 10 đồng tiền cũ - CNLS). Cô ngủ một giấc, sáng ra thấy tiền trong túi mình chỉ còn có 1/10 giá trị. Cảm giác của cô lúc đó ra sao? Có thể lúc đó cô còn trẻ nên không biết chứ còn bọn tôi thì vẫn cảm giác như mình vừa bị cướp một cách trắng trợn mà không làm gì được. Giờ cũng vậy! Cô có 1000m2 đất. Chính quyền lấy và cho phép cô mua lại 100m2 với giá cao gấp 10 lần giá họ gọi là bồi thường cho cô vì đã lấy đất của cô. Tức là sau khi cô mua lại 100m2 đất của chính cô thì cô hết tiền. Nó cũng giống y chang như khi cô ngủ một giấc thức dậy thấy nhà mình nhỏ đi chỉ còn có 1/10. Còn 9/10 kia trở thành tài sản của bọn cướp để chúng bán cho nước ngoài, lấy tiền bỏ túi.

- Là một tác giả thuộc nhóm "chính thống" và có nhiều tương lai, điều gì đã dẫn anh đến quyết định rút lui vào thế giới underground?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi nhờ cô nhìn quanh một chút và nói tôi nghe xem có nhạc sĩ nào thuộc dòng chính thống đã dám lên tiếng về sự kiện chưa? Những người dám nói đều bị chính quyền sách nhiễu. Một số đã buộc phải im lặng, số khác đành phải nói trớ đi, nhẹ hơn dưới dạng những bài thơ, tản văn. Để có thể nói đúng với tiếng nói của lương tâm mình mà không sợ bị chính quyền khủng bố, chúng tôi chỉ còn cách náu mình vào thế giới underground. Tránh được khỏi sự săn lùng, trấn áp của chính quyền thì chúng tôi mới có thể nói đúng những điều đang thực sự xảy ra, hát đúng tình cảnh của hàng triệu người dân Việt Nam đang phải lầm lũi sống, lặng lẽ khóc trong cảnh lầm than, trong bóng tối cường bạo. Từ hồi quyết định rút lui vào bóng tối để sống với thế giới underground, tôi thực sự hạnh phúc vì đã không phải sợ hãi, không phải tự mình kiểm duyệt những tác phẩm của mình. Tôi có thể viết đúng điều mình nghĩ, hát được điều muốn hát. Tôi nguyện sẽ dâng hiến cuộc đời mình để hát cùng dân tộc dù đó là lời hát reo vui hay những khúc nhạc não nề.

- Xin anh cho hỏi một câu riêng tư. Từ sau quyết định sống như một tác giả underground, anh có gặp khó khăn gì về vật chất hay tinh thần không?

- Nhạc sĩ ở Việt Nam không sống được bằng nghề, cô à! Tôi sáng tác, nhưng thu nhập chính vẫn là từ việc khác nên cũng không gặp khó khăn gì. Điều khó khăn duy nhất là tôi không thể nói với bất kỳ ai rằng tôi chính là Mặc Thiên. Điều đó cũng đau đớn giống như việc mình sinh ra một đứa con nhưng không thể nhìn nhận nó. Chỉ trong một xã hội độc tài, toàn trị như thế này người nghệ sĩ như chúng tôi mới phải chịu đựng điều đau đớn đó thôi. Nhưng tôi chấp nhận được. Tôi cũng tin là sẽ có một ngày mai quê hương tôi sẽ thoát nạn Cộng sản, khi những người con trung hiếu của dân tộc dám đứng lên trút bỏ gông cùm để sống cho quê hương.

- Cảm ơn anh và xin chúc anh thêm nghị lực, niềm tin để tiếp tục con đường của mình.

Sau cuộc trò chuyện, tác giả Mặc Thiên đã cậy nhờ Chứng nhân Lịch sử giới thiệu thêm một sáng tác mới của anh, ca khúc Khấn nguyện, cũng về đề tài nhân sinh và nỗi đau dân tộc. Ca khúc này, chúng tôi xin được hẹn giới thiệu với độc giả vào một dịp khác sau khi có bản thu âm hoàn chỉnh. Một lần nữa, chúng tôi có lời cảm ơn nhạc sĩ Mặc Thiên đã tín nhiệm giao phó tác phẩm của mình và xin chúc mừng thế giới underground đã có thêm một tác giả.

Lịch sử không thể bị chôn vùi dù có bao nhiêu thế lực đen tối cố bưng bít và lấp liếm. Trước súng đạn, dùi cui, hơi cay và những thủ đoạn đàn áp khác, tiếng nói của tự do vẫn sẽ vang lên. Tiếng hát cho quê hương vẫn sẽ vang vọng cho đến khi Việt Nam thực sự có ánh sáng.

Thực hiện phỏng vấn: ĐỖ QUYÊN



THẾ GIỚI TÌNH YÊU
ASIA 57

Dương Hà & Vương Thư Sinh







Hí viện Long Beach Terrace Theater tại miền Nam Cali hôm nay lại tưng bừng nhộn nhịp như ngày trẩy hội vì với hai xuất hát của Trung Tâm Asia trực tiếp thu hình cho DVD Asia 57 diễn ra trong không khí tưng bừng của mùa lễ lạc cuối năm 2007, quan khách đến tham dự thật đông đảo và đường vào parking lot xe vào tấp nập.

Nhìn vào poster Asia Show 57, những dòng chữ tạo cho người xem một ấn tượng với chủ đề nổi bật là ca ngợi "Thế Giới Tình Yêu". Tình yêu là đề tài gắn liền với con người muôn thuở. Cuộc sống không có tình yêu thì con người như vô vị, như khô héo, dù sự gắn bó đó là tình thương giữa ông bà, cha mẹ và con cái, tình yêu dành cho quê hương, đất nước, cho tha nhân, tình yêu dành cho tôn giáo và nhất là tình yêu về đôi lứa. Tình yêu vốn mang đặc tính trừu tượng nối kết hai tâm hồn hoặc là nối kết tâm hồn với yếu tố siêu hình hay tâm linh, như khi nói về quê hương hay tôn giáo.

Khắp mọi nơi trên mặt địa cầu thì mọi người đều đã diễn tả và biểu lộ tình yêu theo nhiều hình thức cá nhân, những cảm tính cá biệt, bằng cách này hay cách khác, tùy hoàn cảnh hay địa hình hay địa vật, tùy theo ngôn ngữ diễn tả, hay phong tục hoặc tập quán tùy mỗi nơi có thể khác nhau, nhưng chung quy thì vẫn có thể nói rằng tất cả dành cho những cảm xúc dâng tràn nội tâm hay những rung động bâng khuâng được phát xuất từ con tim, để trao cho nhau những lời nói ngọt ngào, hay dịu dàng từ đáy lòng, hay ít ra những cái liếc mắt đưa tình mà đối tượng có thể cảm xúc được. Cho nên từ những nguồn cảm hứng, những rung động thổn thức dạt dào mà những văn nhân, những thi sĩ, những nhạc sĩ thường đem hết khả năng và tim óc với sự đam mê, với hứng khởi, hoặc ngay cả những kinh nghiệm trên tình trường mà mình đã gặp dù hạnh phúc hay khổ đau để sáng tác để đời những tác phẩm ngọt ngào hay cay đắng. Nhạc tình chan chứa cả kho tàng âm nhạc, trong nhiều bài ca đó bây giờ được chương trình Asia 57 đem ra trình làng qua chủ đề rất luyến lưu "Thế Giới Tình Yêu". Chương trình đã diễn ra khá dài, hơn 5 tiếng đồng hồ, với 60 tiết mục bao gồm rất nhiều chi tiết về các bài hát, phỏng vấn ca sĩ, trình chiếu video clips tài liệu, hài kịch, những giai thoại về văn học, vinh danh những tác giả sáng tác, và tất cả được tóm tắt qua 27 bài hát tiêu biểu về nhạc chủ đề như đã nói.

Mở đầu là "Liên Khúc Tình Yêu" của hai nhạc sĩ Vũ Thành An và Trịnh Công Sơn do các ca sĩ trẻ của Trung tâm Asia trình diễn. Phần sân khấu được dàn dựng đẹp mắt. Bài hát "Paris Có gì Lạ Không Em", một trong những "top hits" của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, bài nhạc được phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa. Hãy nghe:

"Paris có gì lạ không em
Mai anh về, em có còn ngoan”

Và sự lãng mạn đáng yêu:

"Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây…
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay"

Theo video clip trình chiếu, nhà thơ Nguyên Sa có tên thật là Trần Bích Lan, sinh năm 1932 sau là giáo sư Triết Học và hiệu trưởng tư thục Văn Học, cũng là giáo sư Ðại Học Văn Khoa ở Sài Gòn. Nguyên Sa là một trong những nhà thơ nổi bật của hậu bán thế kỷ 20. Thơ tình của Nguyên Sa vẫn là nét quyến rũ trong văn chương lãng mạn và mang nét nhạc tính. Theo lời tâm sự của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên khi ông phổ nhạc bài thơ này như sau, trích từ trang Ðặc Trưng:

"Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình... Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu. Từ những mộng ước đó, bản nhạc thứ hai tôi phổ từ thơ Nguyên Sa đã thành hình. Có những bài thơ khi muốn phổ nhạc, người nhạc sĩ phải tìm điệu nhạc để chuyên chở ý thơ, hoặc phải thay đổi lời thơ để nhập vào ý nhạc... Riêng "Paris Có Gì Lạ Không Em" khi đọc lên tôi đã nghe phảng phất tiếng phong cầm rộn rã của nhịp 3 luân vũ. Trên phím dương cầm, giòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971".

Vào năm 1949 Nguyên Sa được gia đình gửi sang Pháp du học. Năm 1953 ông theo học Triết Học ở Đại học Sorbonne. Lập gia đình năm 1955 với cô Trịnh Thúy Nga ở Paris, đầu năm 1956, vợ chồng trở về Sài Gòn. Ông chọn Bút hiệu Nguyên Sa từ thời ở Pháp, mà ông giải thích rằng tất cả cuộc đời chỉ là một hạt cát, chữ Nguyên Sa có nghĩa là một hạt cát nguyên vẹn.

Giáo sư Trần Bích Lan từng dạy Triết cho nhiều trường trung học và Đại học Văn Khoa ở Saigon, sau này ông mở trường Văn Học trên đường Phan Thanh Giản. Năm 1966 nhập ngũ Khóa 24 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, phục vụ tại Trường Quốc Gia Nghĩa Tử từ năm 1967 đến tháng 4 năm 1975. Ông viết nhiều thể loại, từ truyện dài, truyện ngắn, sách nghiên cứu về Triết học, nhưng nổi tiếng nhất là những bài thơ tình lãng mạn mà ông viết cho người yêu và sau này trở thành người bạn đời mang tên Nga. Sau khi tỵ nạn sang Mỹ, ông định cư tại California và cộng tác với một số báo chí Việt ngữ, trước khi lập tờ báo riêng lấy tên là tạp chí Đời. Điều ít ai biết là ông rất yêu văn nghệ, và chủ trương một trung tâm băng nhạc cũng lấy tên là Đời. Chính ông là người sớm nhận ra tài năng của các tiếng hát trẻ, và góp công rất lớn trong việc giới thiệu những tên tuổi của thời đó như Hải Lý, Ngọc Lan và Tuấn Vũ.

Ông cùng với nhà văn Mai Thảo, được coi là hai cây cổ thụ của nền văn học nghệ thuật tại hải ngoại. Ông qua đời vào ngày 18 tháng 4 năm 1998, hưởng thọ 67 tuổi, trong niềm thương tiếc của mọi người.

Trong "Thế Giới Tình Yêu", nếu chúng ta nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, nhạc Thái cũng mang âm điệu ngũ cung nên rất gần gủi với nhạc Việt Nam. Bài hát "Sabaay Sabaay" rất nổi tiếng của Thái Lan, được hát bởi nam ca sĩ Thongchai McIntyre, mà người Thái gọi anh chỉ bằng một cái tên duy nhất là "Bird", tức là "Chim". Người ca sĩ này thành công vượt bực khi có kỷ lục số dĩa hát được bán lên đến hàng triệu dĩa. "Sabaay Sabaay" là bài hát ca ngợi tình yêu, nó có nghĩa là "Tình Yêu Tình Yêu’’, mà nhạc sĩ Nam Lộc đã chuyển qua lời Việt, chứng tỏ tình yêu ở nơi nào cũng có những lưu luyến và thắm thiết như lời ca:

"Tình yêu, Tình yêu!
Tình như viên thuốc bọc đường
Dẫu đắng bên trong, vẫn cứ trông mong,
Vẫn luôn vấn vương trong lòng.

Người yêu, người yêu!
Người cho em biết thật nhiều.
Biết nói quanh co, biết nỗi âu lo.
Dẫu có anh bên lòng".

Thi sĩ Phong Sơn đặt bài thơ "Rất Huế" được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc. Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm cao đẹp. Những năm gần đây thế giới chịu nhiều thiên tài vì hậu quả của sự hâm nóng địa cầu. Việt Nam là nước ven biển, nên cả 3 miền đất nước đều bị bão tố hoành hành. Gần đây miền Trung bị nạn bão lụt gây cho người dân khốn đốn, 5 lần bão lụt liên tiếp, mực nước sông Hương dâng cao 3 thước, cảnh đời khổ sở tại quê hương. Thiên tai liên tiếp khiến nhiều người dân đã nghèo lại càng nhọc nhằn hơn. Đó là hậu quả do thiên nhiên, video clip cũng cho thấy yếu tố con người gây ra, hay sự tắc trách của chế độ trong phạm vi quán xuyến xứ sở. Tại Cần Thơ, một tai nạn sập cầu thật đau thương đã xảy ra tại thủ đô của miền Tây, hay Tây Đô. Đó là cây cầu đang xây bị gẫy đổ, gây ra sự kinh hoàng và phẫn uất cho người dân, biến cố này được nhắc nhở qua bài hát "Chiều Tây Đô", như sự xót xa thống khổ từ đất mẹ, nhạc của Lam Phương.

Biến cố Dân Oan nói lên tình yêu quê hương, vấn nạn do sự tham lam và thái độ côn đồ của nhà cầm quyền. Bài hát "Khóc Mẹ Dân Oan" của Mặc Thiện được phổ biến từ trong xứ, kèm theo với đoạn video clip minh họa là phần trình diễn của ca sĩ Như Quỳnh.



Một vấn đề thời sự quan trọng trong nước đã được đồng hương hải ngoại chú ý theo dõi là trong suốt diễn trình đấu tranh cho lý lẽ công bằng qua sự việc "Dân Oan Khiếu Kiện". Thực tế đó là khi những người dân thấp cổ bé miệng ở trong nước nhất là ở những vùng nông thôn bất mãn, phẫn nộ vì đã bị những cán bộ thế lực như những quan chức tư bản đỏ, sách nhiễu, nhũng lạm quyền hành, đã cướp nhà cửa, ruộng vườn của họ từ nhiều năm qua để làm giàu bất chính trên xương máu nhân dân. Người dân đen không những không được chánh quyền bảo vệ đoái hoài đến, không giải quyết thỏa đáng mà ngược lại, họ còn bị Công an chèn ép, hành hung tàn nhẫn, quê hương như đắm chìm trong sự bất công. Câu chuyện cảm động khi nguồn gốc của bài nhạc ra đời trong bối cảnh chua xót của nạn Dân Oan.

Buổi chiều ngày 2 tháng 9 nhạc sĩ Mặc Thiện từ Qui Nhơn đã gọi điện thoại đến người bạn của anh đang viết trang nhật ký trên mạng, anh vừa khóc vừa tâm sự như sau:

“Bạn ơi, tôi là Mặc Thiện đây, tôi không làm gì được cho đồng bào Dân Oan Khiếu Kiện, họ đang khổ đau vì bị đàn áp, tôi chỉ có thể hát lên khúc "Hát Trong Uất Hận". Vì tôi hận những kẻ vô lương tâm, những kẻ cướp bóc giữa ban ngày. Miệng chúng thì hô khẩu hiệu công bằng xã hội, mà lại thẳng tay bóc lột đồng bào không chút lòng xót thương. Chúng là kẻ "vừa đánh trống vừa ăn cướp".

Và nhạc sĩ Mặc Thiện đã gởi cho người bạn đó ca khúc "Khóc Mẹ Dân Oan" để nhờ phổ biến rộng rãi, anh coi đây như một lời tạ tội đối với những người Mẹ Việt Nam, anh xót thương nhưng bất lực không làm gì để cứu giúp họ. Đau xót thay cho những người mẹ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho đàn con, để hôm nay nhận sự "trả ơn trong sự vô ơn", không chút lương tâm khi các con mình đã đạt được mục đích tối hậu rồi, khi nắm được quyền hành sinh sát đất nước trong tay, "đàn con nay trở thành mất dạy", nhẫn tâm quay về cướp bóc, trấn lột hết cả gia tài của mẹ.

Nhạc sĩ Mặc Thiện cũng thố lộ thêm rằng:

"Nếu trong mỗi chúng ta không thể có một hành động nào, và nếu cũng không thể nói lên những tiếng nói cứu Mẹ thì xin hãy cất lên một tiếng hát... khóc. Khóc cho Mẹ và khóc cho quê hương lầm than khốn khổ".

"Một ngày trần gian khóc thương mẹ dân oan
Ngại gì sương gió nuôi con qua khổ nạn
Nay con sang giàu mẹ sống cảnh lầm than
Đời oan trái đã gieo bao oán hờn
Cưu mang con rồi nay con phủi công ơn

Vườn ruộng đất nhà tranh con hoán đổi
Mẹ sống sao đây khi đổi mười lấy một?
Mẹ đòi công lý chịu thêm nhiều uất hận
Hận kẻ vô tâm mẹ phơi thân giữa bão bùng

Trời lạnh giá tấm bạt thô không giữ được
Gió lùa mưa vào lạnh thấu cả tâm can
Tay mẹ run run đôi chân không vững được
Biết bám víu vào đâu khi mẹ tỏ tường đời?"

Asia 57 nêu lên vấn nạn khác của xã hội Việt Nam qua bài hát "Đêm Mưa". Nạn buôn người từ Việt Nam mà thế giới cố gắng ngăn chận. Danh dự của dân tộc Việt Nam bị sỉ nhục khi phẩm hạnh của phụ nữ Việt Nam bị buôn bán như những món hàng. Những cô gái còn non trẻ ở trong nước đã và đang tiếp tục bị bán đi sang các nước Đài Loan, Nam Hàn, Singapore, v.v. Những hình ảnh của những em bé không nhà không cửa đang nằm co quắp ngủ ngay bên cạnh lề đường, hình ảnh của những bà mẹ già lọm khọm đẩy xe hoặc quẩy những gánh hàng đi bán dạo để kiếm miếng ăn qua ngày, lại đến những cô gái trẻ trở thành những kẻ buôn hương bán phấn, bán trôn nuôi miệng trong một xã hội Việt Nam Cộng sản vô kỹ luật là một thực tế phủ phàng của ngày hôm nay.

Khắc khoải với những trường hợp như vậy nên nhạc sĩ trẻ Tuấn Khanh đã sáng tác ra nhạc phẩm "Đêm Mưa". Bản nhạc này đã diễn tả những nỗi niềm u uất, khổ đau của những kẻ khốn cùng đang lang thang trong đêm tối giữa chợ đời. Lời ca nhuốm âm vang cô liêu, u hoài. Này mưa hết với những giấc mơ, mẹ thảnh thơi quên hết âu lo, và tôi mơ đến những sớm mai, người em gái bỗng thấy tương lai. Và tôi mơ nhắm mắt cứ mơ, bầy trẻ thơ thôi hết bơ vơ, rồi tôi mơ đến những sớm mai, người yêu nhau quên hết thương đau. Phải chăng tác giả hy vọng sau cơn mưa thì trời lại sáng?





Đêm mưa của Tuấn Khanh, Nguyễn Hồng Nhung trình bày



"Có khi đêm dài không hết
Mắt xanh ngó lên trần đời
Tự dưng sao lòng buồn thiu
Ôi tháng năm hao mòn yêu dấu
Người về tìm người nơi đâu
Bỗng dưng mắt cay giọt sầu
Ôi trăm năm nhân thế hát theo điệu buồn
Thì xin yêu thương nhau nhé cho đời vơi cay
Này mưa hết với những giấc mơ
Mẹ thảnh thơi quên hết âu lo
Và tôi mơ đến những sớm mai
Người em gái bỗng thấy tương lai
Và tôi mơ nhắm mắt cứ mơ
Bầy trẻ thơ thôi hết bơ vơ
Rồi tôi mơ đến những sớm mai
Người yêu nhau quên hết thương đau"

Xem chương trình Asia 57 khán thính giả đã như được đắm chìm vào thế giới của Tình Yêu mộng ảo ở khắp mọi nơi với nhiều khía cạnh khác nhau của tình yêu qua những phong cảnh được dàn dựng hài hòa trên sân khấu, hay qua những thước phim thời sự mà nội dung chứa chan tình yêu đau khổ có những bà mẹ "dân oan" mang một hình ảnh khổ đau nhọc nhằn, rồi có những mảnh đời bất hạnh của những kẻ nghèo khó bị xã hội ruồng bỏ, lại còn có những cái chết oan ức của nhiều người dân trong nước vì thiên tai hay vì hậu quả từ bản sắc của chế độ cầm quyền.

Những giờ phút cuối của Asia 57 không quên nhắc nhở biến cố đau khổ của dân tộc: Hoàng Sa và Trường Sa. Sự lưu tâm và suy gẫm thật nhiều dù cho chúng ta đang sinh sống ở bất cứ phương trời nào, hoặc ngay cả đồng bào trong nước, tất cả đều có mẫu số chung là một nỗi xót xa cho quê hương Việt Nam mất mát. Một khi lãnh thổ của đất nước Việt Nam đang bị xâm phạm, hồn Việt tộc dâng cao. Những tin tức cho biết là Trung Cộng đã ngang nhiên cưỡng chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà từ bao đời đã có chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Những căm phẫn, tủi nhục dâng trào khắp nơi khi biết rằng qua những hồ sơ, văn kiện còn lưu trữ, chính những nhà lãnh đạo Việt Cộng đã đem dâng các hải đảo này cho nước đàn anh Trung Cộng từ lâu. Khi người dân đứng lên phản đối Trung Cộng, nhà cầm quyền Việt Nam cấm cản. Một chế độ nhu nhược, vô dụng hiện đang cai trị quê hương. Yếu tố Hoàng Sa, Trường Sa trong show Asia 57 khiến người xem quyến luyến với tình yêu quê hương, tình yêu đất nước.

Với chủ đề "Thế Giới Tình Yêu", chương trình Asia 57 mang đến cho khán thính giả những tiết mục chọn lọc đặc sắc, mà trong đó chúng ta mỗi người sẽ tìm lại được những kỷ niệm ở mọi lứa tuổi của chính mình đã đi qua, từ khi mới bắt đầu biết yêu đương hay ngay cả ở lứa tuổi buồn thảm đã về chiều, hay ngả nghiêng ở cuối nẽo đường đời cũng vẫn mang xúc cảm được tình yêu thương nhớ hay những gắn bó day dứt. Như biến cố mất đất đai vào tay ngoại xâm, bài hát diễn tả về tình yêu quê hương, tình yêu đất nước mà tiêu biểu là bài "Tình Ca", tâm tư rung động qua những tình tự dân tộc dạt dào, "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi ! Tiếng ru muôn đời."

Quê hương hùng vĩ, quê hương bất khả phân ly, quê hương không thể đổi chác. Từ tiếng ru à ơi của những bà mẹ bên chiếc nôi yêu dấu đến những tiếng khóc, tiếng cười, theo vận nước nổi trôi, lời ca vang vọng khắp nơi. Chương trình được kết thúc qua tiếng hát của Vũ Khanh và toàn thể các nghệ sĩ góp mặt trong chương trình Asia 57.

"Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi...".

Dương Hà & Vương Thư Sinh



Asia Live Show 58:
"Lá Thư Từ Chiến Trường"



Dương Hà & Vương Thư Sinh



Do tình yêu quê hương đất nước, người lính VNCH đã chấp nhận chiến đấu chống sự xâm lăng của CSVN trước 1975 là cuộc chiến đấu vì lý tưởng tự do dân chủ, vì bảo vệ người dân làng trên dải đất quê hương miền Nam. Cũng do lòng yêu quê hương đất nước, người lính VNCH chấp nhận phục vụ quê hương với những điều kiện chiến đấu rất khắc nghiệt. Khổ sở không than trách. Nguy hiểm không sờn lòng. Người lính VNCH đã tận tụy với nghĩa vụ bảo quốc an dân. Người lính VNCH xứng đáng được vinh danh và tri ân mãi mãi. Trong dòng âm nhạc về người lính, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có tác phẩm "Tình Thư Của Lính", bài hát nói lên tình cảm của người chinh nhân:

"Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em.
Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình.
Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngaỵ
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.

Chiều hôm kia thăm làng, tiểu đội anh ra đứng gác ven ranh.
Một cô đi trên đường, đẹp tựa như em khóc lúc giận anh.
Để cho anh nghe thèm, đường chiều xưa ngời sáng áo em xanh.
Thèm một nét môi, một lần về phép thôi, và mình thì lại có đôi."

Để vinh danh người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua cuộc chiến bảo vệ quê hương xứ sở cho các thế hệ mai sau biết đến, Asia Live Show 58 kế tiếp sẽ là Chương trình "Lá Thư Từ Chiến Trường" hay "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến 2". Nhiều tài liệu cũ đã được Trung Tâm Asia chuẩn bị giới thiệu trong Đại Nhạc Hội trực tiếp thu hình Asia DVD 58, một sản phẩm xứng đáng để xem sẽ được long trọng tổ chức tại Long Beach Terrace Theater vào ngày Thứ Bảy 22 tháng 3, 2008. Xin được giới thiệu đến quý vị khán thính giả yêu nhạc lính một show hát nhiều hứa hẹn.

Dương Hà & Vương Thư Sinh





Ý Kiến Đóng Góp



Thực hiện và kỹ thuật Website:

Lê Duy & Đan Thi



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com