Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả

Hà Phương



 




Ai nuôi ai? Ai vì ai?
Ai thắng ai?

Hà Phương




Tuỳ bút của một giáo viên dạy văn, sống dưới chế độ CSVN, nhận thấy đã từng có lúc "nói dối học trò khi đứng trên bục giảng để hàng tháng có lương mà ăn". Nhận thấy nhân dân đã trả lương cho mình mà nhiều khi lại nói dối con em họ, nên "trước khi về cõi" ông muốn nói đúng những sự thật theo cách nhìn và suy nghĩ của mình, đặc biệt là sau khi ông Tổng bí thư đảng CSVN đã nói ở Đại hội Đảng lần thứ X vừa qua là: "sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều. Đảng muốn nhân dân nói thẳng, nói thật".



Phần I: Ai nuôi ai ?

Sau khi xuất bản được bốn tập thơ đều mang tên "Giọt đời" (Tập 1, 2,3,4), tôi viết tiếp tập "Giọt đau" , không nhà xuất bản nào cấp giấy phép. Tôi đem in ở một nơi in lưới (in thủ công) và tặng một số bạn bè có tâm hồn đồng điệu thì công an văn hoá tư tưởng thành phố có giấy mời tôi lên "trao đổi về việc công". Tôi biết có chuyện rồi nhưng chưa lên vội. Đến giấy mời lần thứ 2 thì tôi buộc phải lên. Rất may là các anh công an ở PA25 không có gì nặng lời với tôi cả chỉ yêu cầu tôi thu hồi ngay những tập Giọt đau đã "phát tán" và đề nghị tôi không làm thơ thế sự nữa. Đèn đỏ đã bật!

Tôi phản ứng với một thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết: - Tôi không vi phạm luật xuất bản và không ai cấm tôi làm thơ thế sự được!

Anh H trung tá CA ôn tồn bảo tôi:

- Xin thầy giáo thông cảm cho. Chúng tôi ăn lương của Đảng thì phải làm những việc Đảng yêu cầu.

Phải nói ngay rằng tôi là một giáo viên dạy văn ở trường PTTH. Anh H có học ở trường Thái Phiên nơi tôi từng công tác, nhưng anh là một học sinh giỏi toán, anh học lớp nghiêng về môn toán, còn tôi dạy lớp nghiêng về môn văn nên không dạy ở lớp anh nhưng anh vẫn gọi tôi là thầy giáo.

Lời anh H làm tôi suy nghĩ mãi.

Và một lần đến thăm ông Vũ Cao Quận, một nhân vật đấu tranh quyết liệt cho tự do dân chủ, tôi gặp anh S, trung tâ CA phòng P38 (chống bạo loạn) . CA của ta có nhiều P lắm (P-Police).

Anh S biết tôi vì tôi dạy em ruột anh hiện cũng làm việc ở ngành CA. Ông Quận cho biết anh S là đội trưởng của P38, tôi nói vui với anh:

- Các anh làm việc cần mẫn thật, luôn luôn dành thời gian đến thăm bác Quận.

- Anh S khó chịu ra mặt, trả lời:

- Bác dạy văn còn lạ gì câu tục ngữ: "ăn cây nào rào cây ấy" Ai nuôi mình? Ai trả lương cho mình? Chẳng lẽ ăn cơm của Đảng lại đi bảo vệ cho Mỹ à?

Thì ra cuộc sống nổi lên một vấn đề quan trọng:

Ai nuôi ai? Ta phải phục vụ ai?

Đúng là chuyện miếng cơm manh áo ở đời là chuyện hệ trọng nhất. Hàn Mặc Tử đã từng phải kêu lên:

Trời hỡi làm sao cho khỏi đói

Gió trăng có sẵn làm sao ăn!

Với những người theo đạo Thiên Chúa thì mọi ngả đường đều dẫn đến thành Rôme. Có thể nói khác đi thô thiển một chút như thế này: mọi ngả đường cuộc sống đều phải đi qua cái dạ dày. Đường vào tim, lên não, qua cái bao tử là ngắn nhất. Vì thế các anh CA của tôi nói Đảng đã nuôi các anh, các anh ăn lương của Đảng thì phải làm việc cho Đảng cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng có thật Đảng nuôi chúng ta không ? Ta ăn lương của Đảng hay ăn lương của nhân dân? Ta phải phục vụ ai là đúng nhất?

Dù biết rằng đây là chuyện động trời nhưng cứ phải "liều mình như chẳng có" (Nguyễn Đình Chiểu) để bàn cho rõ vấn đề này.

Ở Đại hội Đảng lần thứ X vừa qua ông Tổng bí thư đã nói: sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều. Đảng muốn nhân dân nói thẳng, nói thật. Do đó né tránh vấn đề nêu trên cũng là không thật lòng với Đảng, có lỗi với lịch sử, có tội với dân tộc.

Thôi thì một liều ba bảy cũng liều!





Đấu tố cải cách ruộng đất



I. Cơn bão đen CCRĐ:

Những cánh đồng xanh mướt, những cây đa giếng nước mái đình yên ả của làng quê Việt Nam hàng ngàn đời nay bỗng dưng bị đào bới xới trộn bởi một trận cuồng phong dữ dội từ phương bắc tràn tới: CCRĐ.

Quân xâm lược đang bị đánh bại cuộc kháng chiến đang bước sang giai đoạn tổng phản công bỗng chuyển theo một hướng mới: "vừa đánh đế quốc thực dân vừa chống phong kiến."

Người ta lấy hết ruộng đất cửa nhà của địa chủ chưa đủ còn bắt trói địa chủ đứng dưới hố sâu để ông bà bần cố nông đấu tố, và sau những tiếng thét đả đảo của lực lượng hỗ trợ là một bản án rợn người được công bố: tử hình! án phải thi hành ngay. Địa chủ bị lôi ra bắn ở bãi ruộng bên cạnh. Khi hiệp định Genève được ký kết thì cán bộ quân đội càng được huy động nhiều cho CCRĐ.

Hồi đó sau khi Hải Phòng được "giải phóng", tôi học ở một trường cấp II tư thục (sau này các trường tư bị giải thể) trường tôi và các trường khác phải nghỉ học để xuống Đông Khê tham gia hỗ trợ phong trào nông dân vùng lên. Khi thấy "địa chủ" Đài bị lôi đi và nghe tiếng súng bắn tôi bật khóc, nhìn sang hàng lớp bên cạnh mắt Đoàn Lê cũng đỏ hoe (Đoàn Lê học dưới tôi một lớp). Hoàng Quốc Hải người bạn học lớn tuổi của tôi vội ghé vào tai tôi nói nhỏ: "mày có lau nước mắt đi không. Ai trông thấy sẽ bị quy tội là thương xót kẻ thù giai cấp đấy và sẽ bị đuổi học ngay".

Những hình ảnh ghê rợn đó cứ ám ảnh tôi mãi. Ông Đài chết vì không chịu di cư, ở lại đón chờ ngày đất Cảng "giải phóng". Sau này tôi được biết về chuyện bà Nguyễn thị Năm trong CCRĐ đợt một ở Thái Nguyên. Bà là một phụ nữ tháo vát nhân hậu ở Hải Phòng đã mang tiền của lên Thái Nguyên khai phá một vùng đất hoang vu thành một trang trại trù phú, nhận hàng trăm người đói khát từ nhiều nơi đến làm việc. Bà hết lòng ủng hộ kháng chiến. Ba con trai của bà đều tham gia quân đội, có anh đã giữ chức trung đoàn trưởng. Bà xuất gạo nuôi cả một sư đoàn hàng tháng trời. Tuần lễ Vàng bà ủng hộ chính quyền cách mạng 110 lạng. Bà rất quý bộ đội. Nhiều người ở các đại đoàn Bông Lau, Lũng Vài lúc ở Thái Nguyên thường ghé đồn điền của bà được bà chăm sóc chu đáo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh khi đi công tác cũng thường ghé vào nhà bà. Thế mà bà bị bắn đầu tiên mở đầu phong trào CCRĐ! Nghe nói Cụ Hồ đã than phiền về điều này. Cụ bảo: sao lại phải đem bắn một phụ nữ để mở đầu một phong trào như vậy? Nhưng chính tôi đã đọc một tài liệu thời ta tố cáo T.Q xâm lược biên giới thì bà Năm đã viết đơn khẩn thiết gửi đến Cụ Hồ xin Cụ can thiệp cho mạng sống của bà. Cụ Hồ đã cho người sang hỏi ý kiến đại sứ La Quý Ba thì ông đại sứ Tàu đã trả lời: "Hổ cái cũng là hổ, chúng đều tàn ác cả. Đấu tranh giai cấp là không thể khoan nhượng". Chuyện bà Năm cả nước biết nhưng không ai dám nói. Mãi đến thời đổi mới báo Thương Mại mới có bài viết về chuyện này nhưng mới đăng được một phần báo đã không được phép đăng tiếp. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết "Ly thân" khi tình hình văn nghệ sỹ đã được "cởi trói", nhưng sách vừa in xong đã bị thu hồi và sau đó không lâu Trần Mạnh Hảo cũng bị đưa ra khỏi Đảng! Chỉ có thơ Tố Hữu là được đăng trang trọng trên báo Nhân Dân thời đó:

Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đòng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt

Gần đây khi đọc hồi ký của ông Đoàn Duy Thành từng giữ chức phó thủ tướng chính phủ tôi thấy những nỗi đau về CCRĐ được ông viết rất xót xa. Tôi nhớ mãi hình ảnh bốn cô con gái của một gia đình có thể bị quy là địa chủ đã nhảy xuống sông tự tử. Ba cô chị từng tham gia du kích nhảy được ra dòng nước còn cô em út hốt hoảng quá chỉ nhảy được tới mép nước đầu chúi xuống bùn hai chân vẫn quậy trên mặt bùn. Không ai cứu!

Trong CCRĐ hàng vạn bần cố nông tố điêu, tố bậy được kết nạp Đảng. Còn hàng nghìn đảng viên trung kiên bị vu oan phải ra khỏi Đảng, có người còn phải vào tù trong đợt chỉnh đốn Đảng ở thời kỳ CCRĐ.

Dù sau đó có sửa sai thì cũng là việc làm quá muộn, và sửa sai cũng không triệt để. Gần hai triệu đồng bào miền Bắc, trong đó phần nhiều là giáo dân kinh hoàng đã vội vã rời bỏ quê hương đến Hải Phòng xuống tàu di cư vào Nam.

Theo chỗ tôi được biết thì Hồ Chủ Tịch cũng chưa muốn tiến hành CCRĐ khi kháng chiến chưa thắng lợi hoàn toàn nhưng sau khi tái phục hoạt Đảng (Đảng Cộng Sản trở lại hoạt động công khai 1951) thì mấy ông lãnh đạo Đảng "Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt" cứ muốn tiến hành ngay và đặc biệt do sức ép của LX và TQ, Cụ Hồ phải làm theo để rồi sau này Cụ phải chọn ông Võ nguyên Giáp người anh hùng của Điện Biên Phủ đứng ra xin lỗi nhân dân ở sân vận động Hàng Đẫy cuối năm 1955.

Sau CCRĐ không ai thiết làm ăn. Ông bà bần cố không ra đồng ruộng vội vì còn mải ăn chia quả thực và họ cũng có biết cách làm ăn gì đâu!

Ngoài đồng xác xơ
Trong nhà mờ mắt

Thời kháng chiến địch bắn phá như thế. Con trâu cũng phải chạy máy bay (Con trâu -Nguyễn Văn Bổng) ta vẫn có đủ gạo nuôi quân, còn bây giờ mọi người đói vàng cả mắt. Các đơn vị quân đội, công an phải lao vào tăng gia sản xuất vì lương thực nuôi quân đã cạn. Lúc này ông anh Tàu đang đói dài lại yêu cầu ta phải trả công cho các chuyên gia sang chỉ đạo CCRĐ bằng thóc gạo, vì khi sang làm chuyên gia họ đã không có lương (!).

Những người Cộng sản muốn người cày có ruộng là một điều vô cùng tốt đẹp nhưng cách làm theo kiểu TQ đã phá vỡ cơ cấu của làng quê Việt Nam làm cho nông thôn nghèo đói. Mâu thuẫn gia đình, họ tộc, làng xóm tăng lên.

II. Mùa gió chướng tập thể hoá nông nghiệp:

Vừa làm xong một công việc tệ hại thì người ta lại vội vã tiến hành ngay việc tập thể hoá nông ngiệp theo kiểu TQ.

Vâng, lại TQ... Không biết đến bao giờ chúng ta mới thoát khỏi cái bóng ma Tàu đây ?

Một đẳng thức toán học lạ lùng xuất hiện:

1 + 7 = 0 ; 2 + 7 = 0 ; 3 + 7 = 0 ?!

Anh là bần cố nông chỉ có một hai sào ruộng nay được cánh mạng chia cho sáu, bảy sào nữa. Sướng nhé! Bây giờ Đảng lại tổ chức kiểu làm ăn mới cho anh. Còn gì tốt hơn nào? Thế là phong trào hợp tác hoá nông nghiệp lại rầm rộ diễn ra nhanh chóng ở khắp nơi. Ruộng đất tập trung lại do ban chủ nhiệm HTX là người của Đảng điều hành. Người nông dân ra đồng theo hiệu lệnh kẻng, cuối ngày ông đội trưởng ghi công điểm. Thóc gặt về sau khi đóng các khoản thuế và các khoản khác (có trời biết là các khoản gì!) nông dân nhận thóc theo công điểm mà ban chủ nhiệm đã ghi một cánh mập mờ. Người nông dân không được quyền cấy lúa hay trồng hoa màu theo ý của mình nữa. Mọi việc do Đảng uỷ, ban chủ nhiệm quyết định. Thế là người nông dân đã mất cả vốn lẫn lời! Họ trắng tay vì ruộng đất bây giờ thuộc quyền Uỷ ban và ban chủ nhiệm HTX.

Mỗi người làm việc bằng hai
ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều

Và điều này mới gây nên nỗi bất bình lớn:

Mỗi người làm việc bằng ba
để cho chủ nhiệm xây nhà, xây sân

Tầng lớp Đảng địa mới hình thành. Người nông dân không thiết tha với đồng ruộng nữa. Đói!

Khi bước vào thời kỳ đổi mới, HTX đương nhiên giải thể. Việc trả lại ruộng đất cho dân cũng không minh bạch. Người ta chỉ trả cái quyền sử dụng đất mà thôi. Toàn bộ ruộng đất, đồi bãi, núi non đều nằm trong tay ông đại địa chủ: Đảng Cộng Sản! Chỉ có Đảng mới có quyền sở hữu còn nhân dân chỉ có quyền sử dụng mà thôi.

Dù sao được như thế cũng là may mắn lắm rồi và bước đầu đã thúc đẩy sản xuất. Từ chỗ không đủ gạo ăn, năm 2005 chúng ta đã đưa gạo xuất khẩu lên hàng thứ hai thế giới. Nếu trả lại ruộng đất thật sự cho dân, người nông dân được sở hữu mảnh ruộng của mình. Ruộng đất là máu thịt của mình họ sẽ hết lòng chăm sóc nó không còn lo những dự án ma cướp đất. Khi đó chắc chắn chúng ta sẽ đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo làm giàu cho đất nước.

III. Cải tạo công thương nghiệp - hay tự phá vỡ nền kinh tế:

Vừa rồi tôi trình bày những chuyện về nông thôn và nông nghiệp để xem ai làm ra lúa gạo để nuôi ta, và điều gì làm ta nghèo đói trong mấy chục năm trời. Còn chuyện ở thành thị cũng có nhiều vấn đề phải nói để các thế hệ mai sau hiểu thêm về thời đại mà chúng ta đang sống.

Trước hết là vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.

1. Ở miền Bắc nền kinh tế tư bản tư doanh còn phôi thai đã bị bóp chết. Nhiều nhà tư sản bỏ hết tài sản theo kháng chiến khi trở về xin một căn nhà mà chính quyền mới quản lý cúng không được. Đó là trường hợp của gia đình Tư sản Nguyễn Sơn Hà (Hải Phòng ) Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ.. (Hà Nội). Thời Đảng khốn khó, ông Nguyễn Lương Bằng từng giữ chức Phó chủ tịch nước cho biết khi quỹ của Đảng chỉ còn mấy chục bạc Đông Dương thì bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô đã lấy ngay ở tủ ra đưa cho ông Bằng ba vạn. ( thời đó 2,5 đồng một tạ gạo). Trong Tuần lễ Vàng, gia đình ông Bô đã ủng hộ tới 5147 lượng vàng. Ông Đỗ Đình Thiện đã từng hiến cho cách mạng một vạn mẫu chẩu (cây để chế biến sơn) ở vùng núi Chi nê, và mang theo 10 kg vàng để giúp đỡ phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán năm 1946. Sau này cũng chẳng ai quan tâm đến ông. Khi ông Ngô Tử Hạ mất gia đình xin lấy lại một tầng nhà trong dãy nhà ở nhà in Tiến bộ mà gia đình ông trước đây đã hiến cho cách mạng để quàn linh cữu ông cũng không được.

Một gia đình buôn vải lụa lớn ở Hàng Đào đã hiến cho nhà nước hàng chục ngôi nhà, và ủng hộ chính quyền cách mạng hàng trăm lượng vàng, hiện con trai ông đang sống ở Bỉ nơi mà các anh cán bộ của ta khi qua Bỉ thường lui tới, trở về Hà Nội xin lại một căn nhà nhỏ để thờ cúng gia tiên đến nay vẫn đang hát "bài ca hy vọng". Tại sao chúng ta lại "ăn cháo đá bát" đến như vậy ? Câu tục ngữ này có một số người đọc nhại đi là "ăn cháo đái bát" có khi lại hay hơn cũng nên. Sau khi miền Bắc được giải phóng cùng với phong trào hợp tác hoá ở nông thôn thì ở thành thị, phong trào cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh được đẩy mạnh để "tiến nhanh tiến mạnh" lên CNXH.

Các nhà tư sản ở thành thị không di cư vào Nam đều phải giao nộp toàn bộ tư liệu sản xuất: nhà xưởng, máy móc, ô tô, tàu thuỷ thậm chí nhà đang ở cũng phải hiến nốt cho chính quyền. Cả miền Bắc mấy chục năm liền không có một chiếc ô tô nào đeo biển số tư nhân.

Bà con công thương, tiểu thương ở các chợ bị gọi là bọn con buôn vì họ là mầm mống của tư bản.

Việc ngăn sông cấm chợ diễn ra khắp nơi. Các cửa hàng mậu dịch mọc lên thay cho chợ búa. Mang một con gà, một cân gạo, từ quê ra tỉnh cũng phải dấu diếm. Mớ rau cũng phải đem bán cho mậu dịch để rồi mậu dịch bán lại cho người tiêu dùng. Cán bộ công nhân viên được mua mỗi tháng 13 kg gạo (1/2 là mì hay ngô khoai) còn dân thường chỉ được 9 hoặc 10 kg. Ngày đó sợ nhất là bị mất sổ gạo. Gặp người quen thấy mặt buồn rầu người ta vội hỏi ngay: Sao mất sổ gạo rồi à? Thời chúng tôi sống có những chuyện như thế đó, những chuyện không tin được, dù đó là sự thật.

Thế nhưng ông Tố Hữu đã đành, ông Xuân Diệu, ông Chế Lan Viên lại tụng ca hết lời:

Những ngày tôi đang sống đây là những ngày đẹp nhất
dù mai sau đời có vạn lần hơn
Cuộc sống đẹp thế vì được Đảng "bao"tất cả,
kể cả chuyện tương, cà , mắm muối của đàn bà.

Cụ Hồ khẳng định: "Đảng ta thật là vĩ đại. Đảng lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực dân đế quốc làm thay đổi cả một nền kinh tế. Đảng còn lo cả chuyện tương, cà ,mắm muối cho dân". Cụ đã nói là đúng không ai dám cãi.

Tôi nhớ rất rõ lời của Cụ đã là một đề thi văn tốt nghiệp cấp III.

Xin nói thêm những năm đó đề thi văn cấp III bao gồm hai đề chọn một: đề văn học và đề nghị luận chính trị. Tôi có mẹo vặt. Trước khi thi tôi phân loại học sinh, một phần ba học được thì chọn đề văn học, còn 2/3 học trung bình và kém rất khoái phải chọn đề chính trị xã hội, mà phải viết dài, vì dài các thầy ngại đọc chỉ xem qua. Muốn viết dài không khó cứ nhớ được câu nói nào của Bác Hồ hoặc câu thơ nào của Tố Hữu na ná đề văn thì đưa vào, không thầy cô nào dám gạch cả, thậm chí còn được tăng điểm nữa. Và kết quả là năm nào học sinh của tôi môn văn đỗ cũng cao!

Còn ở miền Nam sau ngày giải phóng việc cải tạo tư bản tư doanh cũng có nhiều chuyện đáng nói. Trên thế giới xảy ra nhiều cuộc chiến tranh lớn, kết thúc là những cảnh tàn phá tan hoang. Bên chiến thắng nếu chiến trường ở trên đất mình cũng khốn đốn vì cơ sở hạ tầng bị huỷ hoại. Trong cuộc chiến tranh với Mỹ và chính quyền Sài Gòn chúng ta đã giành được "thắng lợi trọn vẹn". Hầu như chúng ta còn nguyên vẹn các thành phố, đô thị lớn. Có một điều cần ghi nhận: Quân đội Cộng hoà khi rút chạy gần như không phá huỷ cơ sở hạ tầng Họ để nguyên và tháo chạy. Chỉ nơi nào có trực tiếp giao tranh thì nơi đó nhà cửa mới bị hư hại. Nhiều nơi chính hoả tiễn vác vai của Nga và đại bác của Tàu rót trúng nhà cửa, cầu cống, nhưng không đáng kể. Ngay 16 tấn vàng trước đây cứ bảo Nguyễn Văn Thiệu mang đi, nhưng thực ra đã được một số công chức kho bạc Sài Gòn bàn giao đầy đủ cho chính quyền mới.

Như vậy nền kinh tế TBCN đã bước đầu phát triển ở miền Nam sau giải phóng về cơ bản còn nguyên. Tôi vào Sài Gòn cuối năm 1975 thấy tràn ngập ô tô, xe máy. Xe đạp rất hiếm gặp. Các cửa hàng rất nhiều TiVi, tủ lạnh... tôi nhìn những chiếc máy Photocopy mà ao ước giá trường mình được một chiếc thì đỡ cho các thầy cô giáo khi phải soạn bài tập thể biết mấy. Sài Gòn đã nổi danh là "hòn ngọc viễn đông" sản xuất được nhiều sản phẩm công nghiệp xuất sang một số nước Đông Nam Á. Này, mấy anh bạn Thái lan, Singapor, Malaysia, phải ngả mũ chào nhé! Bóng đá miền Nam giành cúp vàng đầu tiên của khu vực Đông Nam Á đấy.

Thế mà... thế mà... sau "giải phóng" 30 năm, chúng ta đứng sau mấy anh bạn hàng xóm ấy cũng khoảng 30 năm.

Một đất nước thống nhất "rừng vàng biển bạc". Một dân tộc anh hùng với trên 80 triệu dân mà hiện nay vẫn còn đang đứng cùng hạng với các nước nghèo nhất trên thế giới, thu nhập khoảng 400 USD/người.

Đau quá! Ai làm nên thực trạng đau lòng này?

Rõ ràng việc cải tạo tư bản tư doanh mà Đảng chủ trương rồi giao cho ông Đỗ Mười trực tiếp vào miền Nam chỉ đạo đã phá tan nền kinh tế tư bản tư doanh đang dẫn đầu Đông Nam Á của miền Nam. Tôi rất nhớ trong hồi ký "làm người là khó", ông Đoàn Duy Thành đã dẫn lời ông Phạm Văn Đồng về đồng chí Tổng bí thư hai khoá liền này: "chỉ giỏi phá".

Lướt qua một chặng đường lịch sử với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật như Đảng vẫn nói, thì với những đường lối chính sách tiến lên CNXH như vậy Đảng có làm ra được của cải vật chất để nuôi chúng ta không?

Không, với đường đi nước bước ấy Đảng cũng không nuôi nổi chính mình còn nói gì đến nuôi ai, trả lương cho ai được nữa! Chỉ có tiền thuế của dân, sức lao động của dân và tài nguyên của đất nước mới nuôi được chúng ta, trả lương cho mỗi người. Chính nhân dân VN cần cù , anh dũng và rất mực khoan dung đã nuôi Đảng, nuôi các lực lượng vũ trang: Quân đội và Công an.

Nói chuyện về kinh tế xin lạm bàn về vấn đề phát triển đất nước. Có một vấn đề không ai dám nói công khai, tôi xin "liều mình" nêu một việc hệ trọng. Bất cứ một Đảng phái chính trị nào cũng chỉ là một sản phẩm của lịch sử. Nó chỉ tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Đảng Cộng Sản cũng vậy. Đảng và Tổ quốc không phải là một. Do đó đã đến lúc tài sản của Đảng nếu có phải được công khai hoá cho dân biết. Bộ máy của Đảng và của nhà nước tuy có quan hệ chặt chẽ dù là quan hệ áp đặt, cũng là hai đơn nguyên khác nhau. Hai bộ máy cùng ngốn ngân sách của quốc gia mãi là không được. Đôi vai gầy guộc của Người Mẹ Việt Nam không thể gánh mãi hai gánh nặng ấy. Vậy thì những người làm những công việc thuần tuý của Đảng (số này không ít đâu) thì Đảng hãy bỏ tiền túi ra nuôi họ. Chỉ những đảng viên nào làm việc trong bộ máy nhà nước, ngân sách quốc gia mới trả lương cho họ theo công việc và chức vụ.

Đảng hãy xây lấy trụ sở (mua đất đàng hoàng) để làm việc của Đảng. Nếu cơ quan Đảng ở nhà của quốc gia thì phải trả tiền thuê, đừng quên cả tiền điện nước. Nếu việc này không thể thực hiện được vì Đảng cho rằng: "Đảng cầm quyền, việc Đảng là việc nước", thì nên nhất thể hoá luôn cho đỡ tiền dân đóng góp. Tổng bí thư là chủ tịch nước luôn. Các uỷ viên bộ chính trị là bộ trưởng. Các bí thư Đảng uỷ là thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng. Hội nghị BCHTW coi như là quốc hội. Thế giới còn lạ gì chúng ta nữa. Như vậy thủ tục hành chính đỡ chồng chéo, trong cơ quan đỡ mâu thuẫn và ngân sách quốc gia đỡ tốn kém biết bao nhiêu!

Có một việc cần làm ngay, làm quyết liệt, là việc chống lãng phí, chống tham nhũng cả về tinh thần lẫn vật chất. Có cả tham nhũng về tinh thần và ý thức hệ đấy. Cứ bắt người ta khen mình mãi, ca tụng mình hoài, cũng là tham chứ sao. Vai trò lịch sử đã đi đến đoạn đường cuối còn cứ muốn bắt nhân dân đi tiếp theo vết xe đổ cũng là tham nhũng về tư duy. Lòng tham nhũng này nếu tính ra tiền còn kinh khủng hơn cả triệu lần những vụ tham nhũng mà quốc tế cũng phải lắc đầu.

Trước mắt những vụ tham nhũng, lãng phí nổi cộm đã được phát hiện như PMU18. Hàng không Việt Nam. Tổng công ty Dầu khí.... phải kiên quyết xử lý. Và phải lôi tiếp những vụ tham nhũng khác còn nằm ở góc khuất. Ở đây không thể có "vùng cấm".

Nạn tham nhũng chủ yếu do người của Đảng gây ra vì chỉ những Đảng viên mới được ngồi ở ghế cao quyền lực trong các cơ quan nhà nước, xí nghiệp quốc doanh. Số tiền lãng phí và tham nhũng làm thất thoát không dưới 1/4 ngân sách quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, tới tiền lương, tới công cuộc xoá đói giảm nghèo và nhân dân lại phải thắt lưng buộc bụng, cật sức làm việc để nuôi chúng ta.

Vâng, không ai khác, chính nhân dân đất nước đã nuôi chúng ta, đã trả lương cho ta, nuôi các lực lượng vũ trang anh hùng của mình. Mang tên Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là rất đúng. Họ là con em của nhân dân do dân nuôi, vì vậy họ là của dân do dân và vì dân. Họ không phải là quân đội hay công an riêng của một Đảng phái chính trị nào cả. Lý tưởng cao cả nhất của lực lượng vũ trang là trung thành với tổ quốc với nhân dân.

Nhân đây xin nói vài dòng đôi điều về các buổi phát thanh của quân đội và công an. Hai buổi phát thanh này bao giờ cũng nêu khẩu hiệu "trung với Đảng, hiếu với dân" rồi mới phát tin tức và bình luận.

Này, "trung với Đảng" quá có khi không phải hiếu với dân đâu! Những khi đường lối chính sách của Đảng sai lầm (điều này có ít đâu) mà cứ theo lệnh Đảng để làm thì có khi lại bất hiếu với dân ấy chứ. Khẩu hiệu trên thật ra không đúng như lới Cụ Hồ đã nói đâu. Năm 1960 khi đến thăm trường sỹ quan lục quân, Cụ Hồ nói với quân đội là phải "trung với nước, hiếu với dân". Cụ Hồ sâu sắc và kín nhẽ lắm không lộ liễu như khẩu hiệu "trung với Đảng, hiếu với dân" ở các buổi phát thanh mà ta thường nghe.

Nhờ Trời, Phật, tổ tiên phù hộ. Rất may ở Việt Nam tuy có những vụ bắt bớ đàn áp dân nhưng chưa có vụ nào Đảng lệnh cho quân đội, công an nổ súng vào dân cả. Ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và Cu Ba điều này đã xảy ra nhiều, đặc biệt nghiêm trọng là vụ quân đội Trung Quốc sau khi đã bịt chặt các ngả đường thì dùng xe tăng chà xát hàng nghìn sinh viên TQ biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn.

So với nhiều Đảng Cộng Sản nắm quyền thì Đảng Cộng Sản Việt Nam "còn lấp lánh ánh sáng của tinh thần nhân văn".





Hồ Chí Minh theo Mao Trạch Đông



Phần II: Ai vì ai?

1. Đảng Cộng Sản Việt Nam có thật lòng vì dân tộc vì đất nước không?

Không thể phủ nhận tinh thần yêu nước của những người CSVN. Bản thân những người cộng sản không cam chịu cảnh đời nô lệ đã đi làm cách mạng, nhưng mục đích cuối cùng của Đảng Cộng Sản là phấn đấu để thiết lập chế độ CS. Đảng CS phấn đấu theo chủ nghĩa quốc tế chứ không phải quốc gia. Những ai nặng đầu óc quốc gia dân tộc sẽ bị phê phán và đào thải. Chính Cụ Hồ đã từng bị Xít-ta-lin lạnh nhạt vì còn nặng đầu óc dân tộc.

Ở Việt Nam muốn thực hiện được bất kỳ chủ nghĩa nào đều phải dựa vào tinh thần dân tộc lòng yêu nước cháy bỏng của nhân dân. Một đất nước đã bị Tàu đô hộ gần 1000 năm, bị Tây cai trị gần 100 năm. Hơn ai hết nhân dân Việt Nam khao khát độc lập, tự do, Bắc Nam đoàn tụ. Những người CS mang dòng máu ấy và hiểu rõ điều ấy nên họ biết dựa vào tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam để tiến hành cách mạng Vô sản. Nhân dân VN đi theo những người CS là đi theo tinh thần yêu nước của họ chứ không mấy ai muốn thực hiện CNCS trên đất nước này. Hiểu điều đó, để đoàn kết được toàn dân Cụ Hồ đã khôn khéo "giải tán" Đảng CS vào ngày 11.11.1945. Thời cơ thuận lợi Cụ mới phục hoạt Đảng 1951 với một tên mới Đảng Lao Động Việt Nam.





Hồ Chí Minh theo Tàu, theo Tây



Trong cuộc kháng chiến chống Pháp Đảng đã phát huy được sức mạnh tinh thần yêu nước của nhân dân ta nên đã giành được những thắng lợi to lớn! Miền Bắc được giải phóng, nửa nước được độc lập. Và trong cuộc đấu tranh chống Mỹ và chế độ Sài Gòn, Đảng lại biết phất huy triệt để tinh thần yêu nước ấy. Trải qua 20 năm nữa, biết dựa vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta với hơn 3 triệu người hy sinh, Đảng CS đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước, và đây là thời cơ tốt nhất để Đảng thực hiện mục tiêu chính của mình: Xây dựng CNCS trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Sau năm 1975 đại hội Đảng IV đã đổi tên Đảng: Đảng CSVN, đổi tên nước: nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Và đã có dự định đổi quốc ca nhưng không thành vì bài Tiến quân ca đã đi vào lòng người mấy chục năm rồi.

Rõ ràng Đảng đã công khai hoá mục đích tôn chỉ của mình không cần úp mở nữa. Nói gọn lại Đảng có vì đất nước vì nhân dân nhưng mục đích tối thượng là CNCS. Ngay cả bây giờ giữa bao nhiêu biến đổi của thời đại toàn cầu hoá, dân chủ hoá, đại hội Đảng khoá X vẫn khẳng định điều ấy

2. Đảng Cộng Sản Việt Nam có vì nhân dân không?

Theo quan niệm Macxít nhân dân bao gồm hai thành phần chủ yếu là: công nhân, nông dân, những người lao động trong một dân tộc và tuỳ theo từng thời kỳ có thêm tầng lớp trí thức. ở đây xin đề cập cả những bộ phận dân cư khác

a) Với công nhân:

Mục đích của Đảng là giải phóng giai cấp công nhân đưa họ lên địa vị số một của xã hội và khẳng định Đảng là tổ chức chính trị của giai cấp công nhân rồi mới là của nhân dân lao động. Đảng đã có nhiều đường lối chính sách để cải thiện đời sống cho công nhân, nâng cao trình độ văn hoá cho họ nhưng thực tế thì nhiều chủ trương chính sách ấy lại không được đông đảo công nhân hưởng ứng.

Công nhân làm chủ xí nghiệp, nhà máy ư ?

Không đâu! Chủ xí nghiệp, hầm mỏ, nhà máy là Đảng uỷ, BGĐ người của Đảng điều hành. Nếu lơ mơ một chút, dám nói thẳng nói thật về tình trạng trì trệ của xí nghiệp và dám đấu tranh với lãnh đạo thì bị đuổi việc ngay. Công đoàn chỉ là chân rết của Đảng uỷ. Đồng lương của công nhân không đủ sống, còn bí thư Đảng uỷ, BGĐ, thì rất ung dung. Đại hội Công nhân viên chức chỉ là hình thức. Công nhân cứ nai lưng ra làm, còn BGĐ họp hành lu bù tiệc tùng thoải mái sử dụng đồng tiền mồ hôi nước mắt do họ làm ra. Do đó tình trạng lãn công gần như phổ biến. Kỹ thuật lạc hậu (toàn máy móc của Nga và Tàu) làm ăn cầm chừng đã làm cho hàng loạt các xí nghiệp quốc doanh thua lỗ triền miên, nhưng báo cáo hàng năm vẫn vượt chỉ tiêu kế hoạch!

Xin đừng quên rằng ở nhiều nước, chính giai cấp công nhân đã giáng những đòn chí mạng vào bộ máy chuyên chính vô sản. Công đoàn Đoàn kết Ba lan chuyển hướng sang phía tư bản và lật đổ chế độ cộng sản Ba lan. Hơn 5 vạn công nhân lái xe tải Chi-Lê đình công khi thấy chính quyền của tổng thống Agienđê đang CS hoá làm cho ông này mất mạng trong một cuộc đảo chính. Hàng vạn công nhân mỏ than Đôn-bát, U-ran ở Liên Xô đình công đã làm cho vết nứt của bức tường đá Xô Viết vỡ toác. Công nhân Đông Đức là lực lượng chủ yếu phá tan bức tường Bec-lanh chỉ trong một đêm. Ở Việt Nam những năm gần đây đã xảy ra nhiều cuộc bãi công, và đầu năm 2008 gần 1500 công nhân ở các khu chế xuất phía Nam đã đình công khi thấy Công đoàn ngả về phía chủ và Nhà nước làm ngơ khi công nhân bị trả lương quá thấp bị sách nhiễu quá nhiều. Gần đây tình hình đã được cải thiện hơn.

b) Với nông dân:

Đây là lực lượng đông đảo nhất ở nước ta. Bất kỳ một tổ chức, đảng phái nào không được nông dân ủng hộ thì sự nghiệp không thể thành công. Những người CS đã tập hợp được nông dân và Đảng rất chú ý đến nguyện vọng sâu xa của họ "Người cầy có ruộng". Nhưng CCRĐ và hợp tác hoá nông nghiệp đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng làm cho nông dân khốn đốn. Nông dân đã đóng góp xương máu, lúa gạo nhiều nhất phục vụ các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và cả chống Tàu nữa. Nhưng khi đất nước hoà bình họ lại bị thiệt thòi nhiều nhất. Bọn cường hào ác bá mới ở nhiều vùng quê đang hà hiếp nông dân, tước đoạt cả cái quyền sử dụng đất với những dự án ma lừa đảo. Nhiều ông CA xã bắt trói người bất chấp pháp luật, nhiều vụ cưỡng chế tàn bạo. Cho nên không phải ngẫu nhiên nông dân gần 40 xã ở Thái Bình đã đùng đùng nổi dậy đuổi chủ tịch, bí thư chạy tán loạn. Họ kéo cả lên huyện, lên tỉnh. Ở những vùng sâu vùng xa còn tệ hại hơn. Đồng bào miền núi Tây nguyên mất trắng những vùng đồi, những cánh rừng gắn bó với họ bao đời nay vì những dự án treo và công trình rởm nhằm chiếm đất rừng chia chác cho các quan chức lập trang trại. Nếu không có những việc làm mờ ám của các cán bộ Đảng viên thì bọn "phản động" dễ gì dụ dỗ được đồng bào chạy sang Campuchia đến các trại tị nạn của Liên hợp quốc.

c) Với trí thức:

Đây là tầng lớp có nhiều trăn trở nhất. Các cương lĩnh đường lối của Đảng trước đại hội đảng IV không coi trọng tri thức, thậm chí tầng lớp này có thời kỳ bị coi là đối tượng của cách mạng cần phải cải tạo (!)

Đảng thành lập được một năm đã tổ chức phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, khẩu hiệu giành độc lập không thấy mà nổi bật lên là khẩu hiệu chỉ đạo phong trào: "Trí, phú, địa, hào: đào tận gốc, trốc tận rễ" tức là trí thức phải diệt trước. Xít-ta-lin, Mao Trạch Đông, Pôn Pốt đã đầy đoạ và giết hàng triệu trí thức trung thực.

Khi tôi sang Campuchia hỏi một ông bác sỹ chữa giúp tôi cái chân bị bong gân. Ông đã làm rất đúng với công việc của người thầy thuốc. Tôi hỏi ông: "ông là bác sỹ đấy à"? Ông vội xua tay và bỏ kính trắng ra: "không, tôi chỉ là thầy lang thôi, giống như y tá ấy mà". Cô phiên dịch người địa phương nói lưu loát tiếng Anh và tiếng Việt bảo tôi:

"Ông ấy là bác sỹ chính hiệu đấy. Nhưng ở đây cho đến nay người ta vẫn sợ mình là trí thức vì CS Campuchia (Khơme đỏ) trước đây đã giết quá nhiều tri thức rồi.

Trong bài hát ca ngợi đảng CS (Đảng ca) mà ông Lưu Hữu Phước là tác giả, có lời của một giai điệu: Công nông cùng tiến bước. Mãi sau này lời ca bất hủ ấy mới được sửa Công nông cùng trí thức. Nhưng nhiều trí thức yêu nước vẫn đi theo Đảng. Nếu được kết nạp vào Đảng thì họ phải tuyên thệ: đoạn tuyệt với thành phần xuất thân, rèn luyện quan điểm lập trường của giai cấp công nhân. Nhiều nhà trí thức lớn đã rời bỏ những kinh thành hoa lệ ở Châu âu về tham gia kháng chiến nhưng nhiều người đã phải ngậm ngùi như các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần ĐứcThảo, Đào Duy Anh... Khi buộc lòng phải sử dụng tri thức thì Đảng cũng chỉ sử dụng có điều kiện và không tin họ lắm, không tạo điều kiện thuận lợi cho tài năng sáng tạo. Họ phải chịu sự lãnh đạo nghiệt ngã của nhiều người non kém về chuyên môn, hạn chế về học vấn.

Ở trường tôi, có một giờ thao giảng môn toán của thành phố, tôi cũng ghé vào dự. Thầy Huân là giáo viên rất nhiều kinh nghiệm dạy giờ đó. Thầy cũng có nhiều điều bức xúc với thời cuộc. Khi thầy gọi một cậu học sinh là bí thư chi đoàn của lớp lên bảng, thầy hỏi một câu dễ để cho giờ giảng trôi chảy nhưng em này ấp úng mãi không trả lời được. Thầy cáu quá mắng luôn:

- Học dốt thế này ngày sau chỉ có thể làm giám đốc.

Học trò ngớ người ra, còn chúng tôi thì cười ầm cả lên và lo cho thầy quá, bởi lẽ giám đốc Sở giáo dục thời đó vốn xuất thân là một hương sư, sau phụ trách bình dân học vụ ở một huyện, chưa hề học hết cấp ba. Và ông hiệu trưởng bấy giờ của trường cũng chưa qua bậc tú tài.

Mọi chuyện không có gì xảy ra. Chỉ tiếc trong bảng tăng lương 5 năm một lần thầy không có tên dù năm đó thầy vừa đủ hạn 5 năm!

Khi bước vào kinh tế thị trường thì bằng cấp lại được coi trọng quá mức. Mọi việc đề bạt ở cấp tỉnh cấp TW là phải có bằng đại học. Thế là những cán bộ có cỡ một chút ở cơ quan nhảy đi học tại chức, chuyên tu, lu bù và "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức", cũng đều có bằng đại học vui vẻ cả. Nhiều ông bà từ đó lại đi học tiếp sau đại học bằng tiền của cơ quan để lấy bằng thạc sỹ , tiến sỹ nữa mới ghê chứ.

Bằng giả tràn lan:

Bằng rởm làm nên thân giáp bảng.
Nét son điểm rõ mặt văn khôi

(nhại thơ Nguyễn Khuyến)

Ở thời điểm bằng rởm lên ngôi, thì học thật, bằng thật chạy khắp nơi xin việc. Muốn được lên cỗ xe nhà nước do những người có thẻ đỏ lái thì phải lo cho được 40, 50 vé.

d) Với Thương binh liệt sỹ, những người có công với cách mạng và các bà mẹ Việt Nam anh hùng:

Thương binh liệt sỹ là những người đã đổ máu vì Đảng vì đất nước. Họ là những người cần được quan tâm hơn tất cả. Đảng đã làm được nhiều việc "đền ơn đáp nghĩa". Nhiều nghĩa trang liệt sỹ được xây dựng, thương binh được trợ cấp. Nhưng so với những người đồng đội may mắn được vào làm việc ở các cơ quan thì tiền trợ giúp quá ít ỏi. Công tác thương binh liệt sỹ sai sót nhiều. Những điều ấy đã làm cho một bộ phận thương binh ở nhiều địa phương bất mãn dẫn đến những hành động đáng tiếc. Khi người Mỹ không quản công sức tiền của đi tìm hài cốt quân nhân của họ bị mất tích ở nhiều nơi đã tác động mạnh đến bộ phận dân cư chịu nhiều thiệt thòi này. Từ đó việc chăm sóc thương binh gia đình liệt sỹ, việc tôn vinh các gia đình có công với nước mới thật sự được đẩy mạnh.

Nhân đây lại xin phép bàn thêm đôi điều nữa. Nhiều người tham gia cách mạng đã có những đóng góp không nhỏ, nhưng chỉ vì một lúc nào đó ở một thời điểm nào đó đã dám nói thẳng, nói thật hoặc có những ý kiến bất đồng với lãnh đạo, thì tất cả công lao của họ bị đổ xuống sông xuống bể, và họ bị gạt ra bên lề cuộc sống một cách lạnh lùng, thậm chí bị trấn áp. Đó là các tướng Chu Văn Tấn, Trần Độ... Đó là các ông Nguyễn Hộ, Kim Ngọc... Đó là các sỹ quan, cựu chiến binh Trần Dũng Tiến (Hà Nội), Trần Anh Kim (Thái Bình ), Lê Trí Tuệ (Sài Gòn), Vũ Cao Quận (Hải Phòng)... Trong giới trí thức văn nghệ sỹ là các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Phùng Quán, Lữ Phương.....





CS tàn sát dân Huế, Mậu Thân 1968



e) Đối với đồng bào miền Nam:

Đồng bào miền Nam rất có tinh thần yêu nước. Ngay cả những người dân trong vùng tạm chiến nhiều người cũng ngả theo cách mạng và chờ ngày giải phóng, nhưng nhiều khi chúng ta đến với đồng bào miền Nam như những kẻ chiếm đóng.

Hàng triệu sỹ quan và những người trong bộ máy chính quyền cũ đã bị bắt đi cải tạo, nhiều người bị đầy đọa hàng chục năm trời.

Chúng ta phân biệt đối xử ngay cả với nhân dân vô tội. Mỗi người dân chỉ được mua gạo 5kg/tháng và không được hưởng bất cứ sự ưu đãi gì. Những nhà tư sản, công thương nghiệp hay địa chủ bị tịch thu toàn bộ tài sản. Ai liên quan tới chính quyền cũ bị hờ hững, soi mói. Những người dân bình thường bị tai nạn chiến tranh cũng không được quan tâm, người dân đi xin việc làm vào các cơ quan xí nghiệp nhà nước rất khó. Vì thế hàng triệu người đã phải vượt biển ra đi. Chưa bao giờ người Việt Nam lại khổ nhục lang thang tìm đất sống nơi đất khách xứ người nhiều đến thế.

Thế giới đã nhìn chúng ta khác đi. Chúng ta thống nhất được đất nước nhưng chưa hoà hợp được dân tộc. Đến khi đổi mới nhiều kiều bào về nước muốn mua nhà, mua đất cũng không được phép. Hiện nay tình hình đã khả quan hơn. Xem thế đủ thấy "mục đích cao cả của Đảng là vì nhân dân" và Đảng "đã làm được nhiều việc tốt đẹp cho dân"!. Hồ Chủ tịch đã nói: "Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng không có lợi ích nào khác". Nhưng nhiều chủ trương đường lối của Đảng, suốt một chặng đường dài của lịch sử đã phạm phải những sai lầm. Những sai lầm ấy đã làm cho không ít người dân xa Đảng, thậm chí cả một số Đảng viên cũng không gắn bó với Đảng nữa.

Phần III: Ai thắng ai?

I. Ai thắng ai qua những cuộc chiến tranh?

1. Cuộc chiến tranh chống Pháp:

Trong tình hình rối ren của đất nước khi Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Tưởng chuẩn bị vào Đông Dương giải giáp quân Nhật. Nhân dân ta ở miền bắc vừa qua nạn đói khủng khiếp. Các đảng phái đối lập hoạt động ráo riết thì Đảng CS chỉ với 5.000 Đảng viên đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành Cách mạng tháng Tám thắng lợi là một điều kỳ diệu.

Ở giai đoạn lịch sử này Cụ Hồ đã có những đóng góp lớn lao. Cuộc đấu tranh với Pháp vô cùng gian khổ vì Pháp được Anh hỗ trợ đã quay lại nước ta một lần nữa. Chúng ta đã nhân nhượng nhiều với Pháp, nhưng cuối cùng cũng phải buộc lòng đứng lên kháng chiến. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi do có lãnh đạo của Đảng CS. Chỉ tiếc rằng chúng ta đã không giành được thắng lợi trọn vẹn, mới giành được độc lập ở một nửa đất nước. Có thể tình hình sẽ khác đi rất nhiều nếu chúng ta quyết tâm hơn nữa và không chịu sức ép của ngoại bang.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu", sức mạnh của dân tộc như triều dâng thác đổ, thế tiến quân của ta mạnh như trẻ tre. Ở miền Bắc quân Pháp bỏ chạy tán loạn. Cùng một lúc chúng phải bỏ cả Nam Định, Thái Bình, Hoà Bình, Ninh Bình... co cụm về Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Ở miền Trung địch cũng bị rung chuyển dữ dội, khi chúng bị đánh tơi tả ở đèo An Khê và Quảng Ngãi. Ngay đồng bằng sông Cửu Long địch cũng bị tiêu diệt hàng tiểu đoàn. Nhân dân các thành phố cũng đấu tranh mạnh. Thế và lực của kháng chiến đã lên tới cao trào. Nếu quyết tâm sốc tới và không làm cải cách ruộng đất vội để tập trung sức lực cho chiến tranh nhân dân, nhất định chúng ta sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn nữa. Nhưng hỡi ôi, đang trên đà thắng lợi mãnh liệt ấy, chúng ta dừng lại để làm cải cách ruộng đất và ký hiệp định Genève năm 1954. Đất nước bị chia đôi!

Vì sao ta lại ký cái hiệp định tai hại này?

Khi tôi còn học ở trường cấp III Ngô Quyền cứ phải học thuộc lòng bài sử: Hiệp định Genève là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta (xin xem lại các quyển sử thời đó).

Có thật như vậy không?

Không, trăm ngàn lần không! Như trên tôi vừa nói, chúng ta đang trên đà thắng lợi như chẻ tre. Nhân dân nức lòng ủng hộ kháng chiến, thế mà ta dừng lại để cho địch hoàn hồn thì vô lý quá! Ngay ông Lê Duẩn và nhiều cán bộ cao cấp khác lúc đó cũng không đồng tình.

Sau này qua cuốn sách trắng của Bộ Ngoại giao tố cáo Trung Quốc mọi người mới rõ: Ta phải ký hiệp định vì sức ép của Liên Xô và Trung Quốc, nhất là sức ép của Tàu. Liên Xô lo củng cố khối Đông Âu mới chiếm được hơn là lo cho Việt Nam, còn Trung Quốc có bao giờ muốn Việt Nam lớn mạnh đâu. Vả lại, họ cũng đang đói dài chẳng muốn viện trợ nhiều cho Việt Nam nữa. Họ chỉ cần có cái lá chắn, cái mảnh áo giáp là miền Bắc Việt Nam là đủ rồi. Hơn nữa để miền Nam cho Mỹ mới là cái kế sách của những chuyến đi đêm.

Người Tàu vốn thâm, Tàu đỏ càng tham và thâm hơn!

Khi đàm phán sắp kết thúc và đi vào những điều khoản của hiệp định có hai phương án để đình chiến:

+ Giữ nguyên đất đai lúc ngừng bắn theo thế "da beo", nghĩa là đan xen vùng lãnh thổ của hai bên.

+ Chia thành hai vùng, hai miền để tập kết quân đội mỗi bên. Địch rất sợ cái thế cài răng lược, da beo ấy vì họ biết Cộng sản rất có kinh nghiệm vận động quần chúng, nhất là nông dân.

Nhưng "thời cơ vàng" đã đến với họ. Dưới sức ép của Trung Quốc, ông Phạm Văn Đồng đã bảo ông Hà Văn Lâu trình hội nghị theo hai vùng tập kết quân đội, nghĩa là đất nước chia thành hai vùng Nam Bắc để rồi phải 20 năm nữa với ba triệu người hy sinh thì đất nước mới "thống nhất".

Cái giá quá đắt!

Rõ ràng trong cuộc chiến này Trung Quốc được lợi nhiều nhất. Vì thế sau khi ký kết hiệp định, mặc dù còn nghèo rớt mùng tơi nhưng anh Hai đỏ đã mở tiệc lớn chiêu đãi các phái đoàn ký hiệp định Genève.

Thật mát mặt cho chính quyền Sài Gòn vì họ được ngồi ngang hàng với các nước lớn, và người anh em miền Bắc không bao giờ chịu thừa nhận họ.





CSVN theo nịnh bợ Mỹ



2. Cuộc chiến tranh chống Mỹ:

Muốn hay không cuộc chiến tranh với Mỹ sẽ nổ ra, vì Mỹ có ý đồ nhảy vào miền Nam từ lâu nên không khí hiệp định, và ta quyết tâm "giải phóng miền Nam". Đây là cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam.

Đáng lẽ cuộc chiến này có thể tránh được.

a. Nếu không vội làm cải cách ruộng đất theo sức ép của Liên Xô và Trung Quốc ta tập trung toàn lực cho kháng chiến.

Với đà thắng lợi lớn sau Điện Biên Phủ, Pháp sẽ bị dồn đến chân tường và ta lại sẵn sàng dành cho họ một số quyền lợi nhất định (sau này đỡ phải mời họ trở lại) để họ rút đi trong danh dự, chắc chắn họ sẽ rút nhanh chóng. Vì nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, và Algéri đã bắt đầu đứng lên kháng chiến. Họ cũng cần khôi phục lại nền kinh tế đã suy kiệt khi bị thua Đức. Và chính họ cũng không muốn mang nợ Mỹ quá nhiều khi Mỹ có ý định hất cẳng họ.

b. Bản thân người Mỹ có cảm tình với chúng ta khi biết Việt Minh chống Nhật.

Bộ Tư lệnh Mỹ ở Côn Minh dưới thời tổng thống Rudơven cho máy bay mạo hiểm xuống núi rừng Việt Bắc để liên hệ với ta, cử sỹ quan huấn luyện cho du kích của ta và giúp ta 5.000 khẩu súng. Chính Cụ Hồ đã chỉ đạo cho lực lượng du kích của ta đưa phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi máy bay nhảy dù thoát trao trả cho Mỹ. Nhưng thấy ta mở chiến dịch biên giới nghiêng hẳn về phe XHCN, nhất là khi ta công khai hoá vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thì Mỹ ủng hộ Pháp ồ ạt. Không có Mỹ ủng hộ mạnh mẽ, chi tới 80% chiến phí Pháp không đủ khả năng kéo dài cuộc chiến. Nếu Đảng Cộng sản khéo giấu mình chút nữa không đứng hẳn về phe XHCN vội thì Mỹ không ủng hộ Pháp nhiều như thế, và có thể họ sẽ "TiTô hoá" Việt Nam cũng nên (không chống phá Nam Tư, ủng hộ Nam Tư ở chừng mực nhất định) và khi không có Mỹ chi viện cho Pháp tối đa, chúng ta cũng chẳng cần nhiều sự viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc vẫn đánh thắng Pháp.

c. Người Mỹ không có tham vọng về đất đai nhưng họ rất hăng hái ngăn chặn làn sóng đỏ lúc đó đang lan tràn. Vì vậy khi thấy Việt Nam sẵn sàng mang xương máu của dân tộc mình ra làm lá chắn cho khối Cộng sản, làm người lính đi đầu của phe XHCN - "Vinh gì hơn làm người lính đi đầu" (Tố Hữu), thì Mỹ càng tăng cường ủng hộ chính quyền Sài Gòn và sau đó liều lĩnh đưa quân ồ ạt vào miền Nam. Trong tình thế này chúng ta mới cần có sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc càng nhiều càng tốt để có đủ sức mạnh đánh bại Mỹ. Món nợ đối với Liên Xô và Trung Quốc đến nay trả vẫn chưa xong.

Chúng ta thắng, dĩ nhiên rồi! Nhưng phải trả cái giá quá đắt, và bên có lợi nhất chính là Liên Xô và Trung Quốc. Mỹ đã bị sa lầy ở Việt Nam, thế và lực suy giảm trên trường quốc tế. Liên Xô có điều kiện tốt để duy trì khối Đông Âu và nhảy sang Cu Ba, Châu Phi. Trung Quốc nhiều lần dằn mặt Đài Loan và đòi Anh trao trả Hồng Kông. Kho vũ khí lỗi thời của Liên Xô được tiêu thụ mạnh ở Việt Nam vì chỉ người Việt Nam mới sử dụng có hiệu quả những vũ khí lạc hậu ấy. Liên Xô chỉ viện trợ cho ta MIC17-19, SAM2, tăng T34. ở thời điểm ấy họ đã giao vũ khí tối tân hơn như MIC21-23, SAM3-4, tăng T54 cho nhiều nước Árập nhưng trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh cũng bị vũ khí của Mỹ đè bẹp.

Và cái giá đầu tiên phải trả cho Trung Quốc là người Tàu có cớ để "dạy cho Việt Nam một bài học" (!)





Trung Cộng chiếm đất Việt Nam



d. Cuộc chiến tranh biên giới.

Chúng ta là những người tử tế, thuỷ chung với bạn bè và rất tin tưởng ở anh em. Khi bị người Tàu tát cho vỡ mặt mới thấm thía cái tinh thần Quốc tế vô sản "vừa là đồng chí vừa là anh em".

Khi quân đội Trung Quốc tập trung ở suốt dọc biên giới, phía ấn Độ có báo cho ta nhưng tình báo quân đội (Cục 2, sau này là Tổng Cục 2) vẫn bỏ ngoài tai. Đặng Tiểu Bình ra đòn bất ngờ: xua quân ào ạt tràn qua suốt dọc biên giới phía Bắc khi lực lượng tinh nhuệ của ta dồn hết xuống phía Nam ngăn chặn bọn Pônpốt (do Tàu sai khiến đánh phá biên giới Tây Nam). Nhưng họ cũng phải rút nhanh vì những bài học Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa còn đó. Đến Mỹ cũng còn phải cuốn cờ thì Tàu CS chưa phải là cái gì ghê gớm nhé.

Hiện nay họ đang gặm nhấm dần biên cương trên đất và trên biển của ta. Chiếm Hoàng Sa rồi, nay còn muốn nuốt cả Trường Sa nữa. Vừa rồi họ trắng trợn công bố bản đồ mới nhất của họ buộc Bộ Ngoại giao của ta phải lên tiếng phản đối. Nhưng tiếc rằng nhân dân thì không ai được biểu tình về vấn đề biên giới và việc Cảnh sát biển Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân Thanh Hoá. Quốc hội đã thông qua vội vã những hiệp định ký với Trung Quốc vừa qua là không hợp lòng dân. Vấn đề này phải được trưng cầu dân ý mới hợp hiến. Tôi rất đồng tình với hiến pháp 1982, ghi Trung Quốc là kẻ thù của dân tộc Việt Nam. Anh hùng liệt sỹ Lê Đình Chinh một mình chống chọi với cả một tiểu đoàn quân xâm lược Trung Hoa dù hiện nay không được nhắc tới vẫn mãi mãi là tấm gương sáng chói. Những dòng này xin được là những nén nhang tưởng niệm Anh!

Khi lướt qua những chặng đường máu lửa của các cuộc chiến tranh, đặc biệt cuộc chiến tranh với Mỹ, tôi xin mạnh dạn nêu thêm một vấn đề đến nay còn làm nhức nhối chúng ta. Đó là số thương vong, cái giá phải trả cho những chiến công.

Cách đánh của ta ở nhiều chiến dịch, nhiều trận là cách đánh không tiếc xương máu của lính và cũng do ta chịu ảnh hưởng nặng nề của Liên Xô và Trung Quốc.

Trong chiến tranh Liên Xô mất 20 triệu (1/3 là quân đội), Trung Quốc mất cả triệu người họ vẫn "hảo hảo". Còn chúng ta trong chiến dịch Tết Mậu thân 1968 số thương vong quá lớn. Chọn đúng mờ sáng mùng 1 Tết âm lịch để giành thế bất ngờ khi nổ súng ở khắp nơi là điều làm nhiều người đến nay còn trăn trở. Đợt 1 đồng loạt nổ súng nhưng không thành công. Ta dồn toàn bộ lực lượng còn lại đánh tiếp đợt 2. Khi yếu tố bất ngờ đã mất, địch chủ động đối phó làm cho số thương vong của ta tăng vọt.

Chế Lan Viên sau này "sám hối" đã phải kêu lên:

Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?

Không khí đau thương cũng bao trùm Huế. Khi phải rút bỏ Huế, ai đã ra lệnh giết hàng nghìn người trong đó có cả dân thường bị bắt oan khi ta không có điều kiện đưa họ đi xa. "Dải khăn sô cho Huế" (Nhã Ca) còn đó.

Ở thành cổ Quảng Trị 1972 số thương vong cũng hết sức nặng nề. Đây không phải là địa bàn chiến lược nhưng chúng ta cứ đổ quân vào cái "cối xay thịt" không tiếc người.

Có cụ già 85 tuổi mà tivi vừa phát hình vẫn đi tìm xác con. Ở đây nhiều sinh viên đại học đã hy sinh khi họ vào lính trong đợt tổng động viên rồi được đưa vào Nam. Điển hình Nguyễn Văn Thạc, sinh viên Đại học Tổng hợp toán đã hi sinh ở thành cổ Quảng Trị này.

Sự hy sinh trong chiến đấu là điều không tránh khỏi, nhưng sự mất mát quá nhiều là điều cần phải nói. Chiến thắng chỉ có ý nghĩa lớn lao khi số người chết ở giới hạn cho phép.

Đã đến lúc phải công bố rõ ràng số thương vong trong các cuộc chiến tranh vừa qua. Đến nay con số cứ mập mờ, mỗi tài liệu nói một khác. Ở Liên Xô và Mỹ người ta làm điều này minh bạch. Mặc dù thua ở Việt Nam, người Mỹ vẫn xây bức tường chiến tranh Việt Nam ngay tại thủ đô của họ, khắc tên tuổi những người đã mất.

Việc công bố chính thức số người chết trong các cuộc chiến tranh ở Việt Nam vừa qua là cần thiết vì nó liên quan đến cả tinh thần và ý thức hệ của chúng ta nữa.





Dân Oan khiếu kiện mất đất



II. Ai thắng ai về kinh tế và ý thức hệ?

1. Về kinh tế.

Sau những cuộc chiến tranh kéo dài mặc dù chúng ta đã thu được "những thắng lợi to lớn" nhưng đã vấp phải những sai lầm nghiêm trọng về phát triển kinh tế nên xã hội rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài, tụt hậu về kinh tế, có nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm. May thay Đảng đã nhận ra điều này. Đại hội VI đưa ra đường lối "đổi mới". Việc đổi mới quá muộn và thực ra là ta trở lại con đường mà chính chúng ta đã phá: Kinh tế thị trường.

Nếu nền kinh tế thị trường phôi thai ở miền Bắc và bước đầu phát triển ở miền Nam được chúng ta duy trì và phát triển thì đâu đến nỗi!

Với một dân tộc anh hùng, cần cù, thông minh có 80 triệu dân, với một đất nước giàu tài nguyên (một trong mười nước giàu tài nguyên nhất thế giới) nếu chúng ta đổi mới nhanh chóng, mạnh mẽ hơn, dân chủ tự do hơn thì đất nước phát triển nhanh hơn nhiều. Đảng vì dân, dân vì Đảng thì nhất định chúng ta sẽ tăng tốc, tiến nhanh trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hiện nay phải nói thẳng là chúng ta đang rơi vào những mâu thuẫn mới:

Đảng cứ muốn duy trì chế độ Đảng trị.

Dân muốn chế độ dân chủ pháp trị.

Đảng muốn xây dựng CNXH nhưng kinh tế lại theo đường lối TBCN nên mới có một định đề lạ lùng: "Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN".

Lưu Quang Vũ ơi, vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" nổi tiếng của anh, thế quái nào lại diễn ra ở cái thời điểm tôi đang sống đây. Mong anh, chị Xuân Quỳnh, cháu Quỳnh Thơ được yên nghỉ nơi vĩnh hằng:

Con chim Sâm cầm ai giết.
Con chim Sâm cầm đã chết. (Xuân Sách)

Phát triển kinh tế thị trường để cho dân giàu nước mạnh. Muốn hay không chúng ta phải có những mối quan hệ tốt với các nước tư bản, nhất là ba nước Pháp, Nhật, Mỹ từng là kẻ thù của chúng ta. Có một câu nói vui rất "nghịch nhĩ", rất nguỵ biện mà bác đi cũng khó:

"Thời chống Mỹ cứu nước đã qua"
"Thời rước Mỹ cứu nước đã đến"

Chơi với Mỹ để giàu lên là tốt chứ sao. Không giàu có, không mạnh lên ta sẽ bị Trung Quốc ăn hiếp. Con đường cứu nước bây giờ là con đường dân giàu nước mạnh, khoa học kỹ thuật phát triển, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Cái anh cao bồi miền Tây nước Mỹ có nhiều cái xấu xa phải lên án mạnh mẽ nhưng cái hay của anh ta mình nên học. Anh ta cũng là người quân tử ra phết! Họ đánh Nhật tan hoang và cùng với Đồng minh nện cho Đức tơi tả nhưng khi kẻ thù ngã ngựa họ lại sẵn sàng nâng đỡ, tạo điều kiện cho Đức và Nhật nhảy vọt.

Không có bạn bè vĩnh viễn
Chẳng có thù hận đời đời
Sóng vỗ bờ, sóng lại tiếp ngoài khơi
Chỉ lợi ích dân tộc
Và quyền con người
Là nắng trời muôn thưở (trích tập thơ Giọt đau)

2. Về ý thức hệ.

Lý tưởng CS, tinh thần quốc tế vô sản là ý thức hệ xuyên suốt một chặng đường lịch sử nước ta từ khi Đảng CS nắm quyền. Lý tưởng XHCN ban đầu có một sức hút ghê gớm nhưng rồi thực tế không mấy tốt đẹp, chuyên chính vô sản bóp nghẹt tự do dân chủ, kinh tế tập trung đã đẩy lùi sản xuất làm cho nhiều người ngã lòng.

Ông Tố Hữu, CS nòi đã đành, ông Xuân Diệu, ông Chế Lan Viên cũng hăng hái lắm.

Hãy nghe Xuân Diệu:

Tôi đã từng làm thơ về mây về gió
Tôi sẽ còn làm thơ về sen ngó với đào tơ
Nhưng hơn cả xưa kia, hơn cả bao giờ
Tôi làm thơ về chuyên chính vô sản

Và nhà thơ Chế Lan Viên của chúng ta:

Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông

Cuối đời khi vào sống ở miền Nam Chế Lan Viên đã nhìn cuộc đời với nhiều trăn trở và những bài thơ cuối cùng của ông là những lời sám hối:

Và thơ này đến anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải

Nhưng cũng chính là tôi. Người có lỗi
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình (Di cảo)

Ngay tên bài thơ " Trừ đi" đã gây sốc rồi! Trừ đi tức là không cộng nữa!

Có thể ông Xuân Diệu mất đột ngột hơi sớm khi vào một tỉnh phía Nam. Nếu ông sống được đến những năm 90 như Chế Lan Viên chắc thơ ông sẽ có nhiều bài khác.

Tổ quốc ta như một con tàu
ông ra đi ở phía mũi Cà Mau

Ngay ông Tố Hữu, tiếng thơ hùng hồn của Ra trận của Máu và hoa cuối đời cũng làm những bài thơ ngậm ngùi của một tiếng đờn riêng lẻ:

Vừa bình minh đó đã hoàng hôn.

Trên thế giới nhiều nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng cũng mất lòng tin vào CNXH khi thấy cả một hệ thống XHCN bị sụp đổ nhanh chóng.

Aragông, một nhà thơ CS Pháp, một UVTW Đảng đã viết những câu thơ được một nhạc sỹ phổ nhạc và nhiều người hát: "Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng" cuối đời đã lên tiếng: Phải đổi mới CNXH!

Còn nguyên Tổng bí thư Đảng CS Pháp (hiện nay vẫn còn ở trong Đảng) là Robert Hue mới đây đã viết một cuốn sách nói rõ tội ác của CNCS, ông khẳng định: "đó là một chế độ giết người" (ý nói tới Liên Xô, Trung Quốc, Pônpốt). Năm 2005 Đại hội đảng CS Nhật mà ông Phan Diễn được mời sang dự đã tuyên bố từ bỏ CN Mác-Lênin.

Rõ ràng lý tưởng CS đã bị xói mòn, nhưng văn kiện Đại hội Đảng 10 vẫn khẳng định: Đảng quyết tâm xây dựng CNXH ở Việt Nam và tiến lên CNCS.

Đấy là việc của Đảng, Đảng cứ làm. Chỉ mong rằng những người khác cũng có quyền thành lập Đảng của họ mà hiến pháp không cấm. Người dân được phát biểu chính kiến của mình mà không bị đàn áp.

Tôi không ưa ông Đặng Tiểu Bình nhưng ông ta có một câu nói hay:

" Mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột".

Vâng. Một đảng nhiều đảng không quan trọng, miễn là mỗi đảng hãy đặt quyền lợi của dân tộc, của đất nước lên trên quyền lợi của mình. Đảng phải vì nước, vì dân, vì quyền tự do dân chủ thật sự cho mỗi con người VN.

Tôi luôn luôn ghi nhớ câu nói của Cụ Hồ với bộ đội ở đền Hùng: "Các vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".

Chẳng có chủ nghĩa nào bằng chủ nghĩa Việt Nam, ý thức hệ Việt Nam. Vietnamisme muôn năm.

Thưa các bạn

Nếu kiên nhẫn và rộng lòng tha thứ các bạn có thể đọc đến dòng cuối của bài tuỳ bút dài dòng này. Dẫu sao "mua vui cũng được một vài trống canh" đối với bạn đọc.

Tôi biết những điều mình viết, nhiều người đã viết rồi hoặc đã nghĩ mà chưa viết đấy thôi. Tôi chỉ muốn thêm một nốt nhấn vào bản hợp xướng của thời đại chúng ta.

Tôi là một giáo viên dạy văn, thú thực cũng có lúc nói dối học trò khi đứng trên bục giảng để hàng tháng có lương mà ăn. Nhân dân đã trả lương cho tôi mà nhiều khi tôi lại nói dối con em họ. Bây giờ "trước khi về cõi" tôi muốn nói đúng những sự thật theo cách nhìn của mình và suy nghĩ của mình về một thời "Giận thì giận mà thương thì thương".

Xã hội của chúng ta có nhiều thành tựu lớn lao, nhưng cũng vấp phải những sai lầm không nhỏ. Nhìn lại quá khứ để hướng về tương lai.

Không thể phủ nhận được những công lao của Đảng CS đối với đất nước với dân tộc nhưng cũng không thể không nói tới những sai lầm do chủ trương đường lối của Đảng vạch ra đã làm cho nước ta một thời gian dài nghèo đói, tụt hậu. Công cuộc đổi mới đã giành được nhiều thành tựu nhưng cũng còn nhiều điều phải bàn. Khi Đảng đã nhiều lần tuyên bố: Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nhất là khi ông Tổng bí thư Đảng hiện nay lại nói rõ: Đảng sẵn sàng lắng nghe những ý kiến khác biệt, kể cả những chính kiến trái chiều nên tôi mạnh dạn viết bài tuỳ bút này. Có thể có nhiều vấn đề do chủ quan, do thiếu tư liệu tôi viết chưa chuẩn nhưng tôi đã viết với tất cả sự chân thành của mình với mong muốn đất nước ta giàu mạnh hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn, và Đảng cũng tốt đẹp hơn.

Có thể nào ngoảnh mặt trước nỗi đau
Thừa sức chạy mà phải đi bước một
Có thể nào thấy mái nhà đang dột
Lại ngồi yên chờ trời hết mưa rơi...
Tôi xin làm một tia nắng nhỏ nhoi
Thêm chút sáng trong căn nhà ngói mới
Cùng mọi người nhanh chân bước tới
Trên đường đua chẳng ai đợi chờ ta
Mong cây đời trổ nụ đâm hoa.

Xin chép lại mấy bài thơ trong tập "giọt đau" để các bạn đọc cho vui

Hướng đi vàng
Rằng đến: vì nhân dân
mà như kẻ chiếm đóng?
Mang danh là giải phóng
lại vít chặt cuộc đời
Bắc Nam sum họp rồi
Chưa hoà được dân tộc
Vẫn đói nghèo khổ cực
Bởi lạc bước, đi sau.
Hội nhập với toàn cầu
Ai độc quyền chân lý
Phục vụ hay cai trị
Dân chờ câu trả lời.
Đá cũng đổ mồ hôi
Cuộc đời sôi nước mắt
Sợ những lời nói thật
Ngăn cuộc sống chuyển màu.
Đoàn tàu đi đến đâu?
Phương đông cầu đã gẫy
Phía bắc lũ cuốn trôi
Phía tây trời đang nắng
Xin chọn hướng đi vàng!
Đường mới
Cửa mở nửa vời ngần ngại chi
Đường xưa lối cũ tiếc làm gì
Sông sâu trước mặt cầu vừa gẫy
Núi lở sau lưng sập tượng uy
Trí lớn chân trời nhìn thấy trước
Tài cao biển lớn biết luồng đi
Thời cơ đã đến nhanh chân bước
Đường mới thênh thang thoát sức ỳ.



Hà Phương, 344 Đà Nẵng - HP - 031. 765.817


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com