Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả



Việt Hải

Los Angeles



 




Xem Huyền Thoại
LÊ MINH BẰNG



(ASIA-52)


Việt Hải, Los Angeles



Mấy lúc gần đây mọi người được biết nhà cầm quyền CSVN tỏ vẽ bực tức trung tâm Asia sau hai bộ DVD như Asia-50 (Vinh Danh Nhật Trường Trần Thiện Thanh “Anh Không Chết Đâu Anh”) và Asia-51 (Nhạc Vàng 30 Năm, Tình Khúc Sau Cuộc Chiến) đã đưa khán thính giả trở về với kỷ niệm quê hương, những niềm tự hào của người dân sống ở vùng đất tự do miền Nam Việt Nam hay VNCH. Tôi xem buổi mạn đàm văn học giữa hai nhà văn Huy Phương và Phan Nhật Nam về vấn đề ít nhiều đến chủ đề của những sản phẩm này của Asia. Dù người CSVN công kích cay đắng Trung tâm Asia và những người cộng tác với các chương trình ca nhạc này, nhưng đồng hương khán thính giả vẫn nhiệt tình ủng hộ vì phẩm chất và chủ đề đáng xem của nó. Tuần rồi anh Peter Morita ghé chở tôi xem phần preview Asia-52 (Huyền Thoại Lê Minh Bằng - The Legendary of Lê Minh Bằng), đây lại là một bộ DVD đáng xem nữa. Bài viết này ghi nhận những cảm nghĩ của tôi qua phần xem một bộ video có nhiều điều thích thú.

Huyền thoại Lê Minh Bằng có gì đặc biệt?

Chủ đề này nêu lên những điều về bộ 3 nhạc sĩ đã đóng góp nhiều cho nền tân nhạc Việt Nam và những thành công của họ cùng những lời ca giọng hát đã tham dự vào dòng nhạc của họ. Tên ghép Lê Minh Bằng của bộ 3 nhạc sĩ được biết là gồm Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Nhạc sĩ Lê Dinh trong bài viết "Vài Kỷ Niệm với nhóm Lê Minh Bằng 1966-1975", cũng như qua bài viết của Duy Khiêm nhận định về nhóm Lê Minh Bằng thì:

"Lúc đầu khi thành lập Nhóm Lê Minh Bằng (1966) thì ba người nhạc sĩ này đã họp lại và bàn bạc với nhau về đường lối sáng tác những bản nhạc của nhóm mình. Đó là làm sao mà sáng tác ra loại nhạc hợp với mọi tầng lớp dân chúng từ thành thị tới thôn quê, để ai cũng có thể thưởng thức được. Như vậy những bài hát này phải có lời ca trong sáng, giản dị, dễ nhớ và dễ thuộc lòng. Giai điệu và tiết tấu cũng nên đơn giản để dễ tập đàn, dễ tập hát (như điệu boléro, rumba slow, slow rock, boston…chẳng hạn). Nói tóm lại là nhạc và lời phải thật dễ thương, âm điệu uyển chuyển khiến người nào nghe một lần là còn nhớ thoang thoảng trong lòng. Vì là bước đầu thử nghiệm, nên cả nhóm không biết là những bài hát này sẽ thành công hay không, sẽ được nhiều người ưa thích hay chê bai? Để tránh trường hợp thất bại xảy ra có ảnh hưởng đến tên tuổi của cả ba nhạc sĩ này, thì cách tốt nhứt là chọn ra vài cái biệt hiệu khác nhau để ký tên lên các bài hát mới thử nghiệm này. Nhưng kết quả thật quá bất ngờ, đến nổi cả ba người nhạc sĩ này không tin rằng đó là sự thật. Vì sau khi những bài hát của nhóm tung ra, số lượng các bản nhạc in (music sheets) bán được khắp nơi đã tăng nhanh vùn vụt (sẽ kể thêm ở đoạn sau) và nhóm Lê Minh Bằng đã thành công vượt bực để trở thành “huyền thoại” sau này."

Sơ lược về tiểu sử thì nhạc sĩ Lê Dinh, tên thật là Lê văn Dinh, sinh năm 1934 tại làng Vĩnh Hựu, Tỉnh Gò Công. Sau 7 năm ở Trung Học ở tỉnh Mỹ Tho , Lê Dinh lên Sài Gòn, học chuyên môn tại trường Cao đẳng Vô Tuyến Điện từ năm 1953 đến năm 1955. Trong 2 năm học ở trường Cao đẳng Vô Tuyến Điện, Lê Dinh đã học hàm thụ với Ecole Universelle ở Paris về sáng tác. Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1956 và nhạc phẩm đầu tay của ông là bài “Làng anh, làng em”, do nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam ấn hành cùng năm. Lê Dinh và gia đình vượt biên năm 1978, được tàu của Canada vớt đưa qua đảo Peng Hu ở Đài Loan và định cư tại thành Phố Montréal từ tháng 10 năm 1978 đến nay. Đến Montréal, Lê Dinh làm việc tại hãng tàu có chiếc tàu đã cứu gia đình ông cùng 35 ngườii khác trên biển Nam Hải, trong 20 năm từ năm 1979 cho đến năm ông nghỉ hưu trí là năm 1999.

Về Minh Kỳ thì ông ra đời tại Nha Trang, sinh năm 1930, năm 1959 vào định cư tại Sài Gòn. Nhưng nguồn gốc gia tộc thuộc đất Thần Kinh. Theo gia phả của dòng họ thuộc triều Nguyễn tại Huế, nhạc sĩ Minh Kỳ là cháu đời thứ năm của Vua Minh Mạng. Ông có tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, có vai vế ngang hàng với vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy). Hiện nay tại thôn Vỹ Dạ vẫn còn là nơi ở, mộ phần và Phủ thờ dòng họ bên ông. Ông là người con duy nhất trong một gia đình hoàng tộc khá giả tại thành phố Nha Trang và sống ở đấy cho đến sau khi ông lập gia đình vào năm 1952. Do đó Nha Trang là nơi để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của nhạc sĩ Minh Kỳ. Cũng chính là lý do mà từ hơn 40 năm qua, chúng ta đã có dịp thưởng thức những nhạc phẩm tiêu biểu về vùng duyên hải được gọi là `Thùy dương cát trắng" của ông như: "Nha Trang", "Nhớ Nha Trang", "Nha Trang Chiều Mưa",... Khi tình thế đất nước kêu gọi, ông gia nhập vào ngành Cảnh Sát. Mang chức vụ cuối cùng là Đại Úy Cảnh Sát, sau ngày Sài Gòn sụp đổ, ông đã bị bắt đi “học tập cải tạo” ở trại An Dưỡng, Biên Hòa nơi những người bạn tù cùng thời cho biết là ông đã chết một cách bí ẩn vào khuya ngày 31 tháng 8 năm 75, khi vừa bước sang tuổi 45, để lại 1 vợ và 9 người con. Theo video clip mà Trịnh Hội đến nhà phỏng vấn phu nhân và các con của ông, người ta không khỏi mũi lòng, xót xa về cái chết của ông. Hiện nay người con trai út của ông vẫn còn ở tại Sài Gòn, nơi ông đã sinh sống và mở lớp dạy nhạc Lê Minh Bằng gần khu vực nhà thờ Tân Định.

Còn người thứ ba trong nhóm Lê Minh Bằng chính là nhạc sĩ Anh Bằng, cũng là người lớn tuổi nhất. Tên thật của ông là Trần An Bường và sinh năm 1925 tại thị trấn Điền Hộ, thuộc tỉnh Ninh Bình gần ranh giới tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 100 cây số về hướng nam. Ông theo học trung học ở Hà Nội trước khi di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở Sài Gòn cho đến năm di tản 1975.

Trước khi đến với nhau qua tên chung Lê Minh Bằng thì mỗi người trong nhóm đã tự mình tạo nên tên tuổi trong làng âm nhạc với phẩm và lượng của những tác phẩm nổi danh như các bài: "Nếu Vắng Anh", "Tango Dĩ Vãng", "Anh Cứ Hẹn", "Nỗi Lòng Ngưòi Đi", "Căn Nhà Ngọai Ô", "Chuyện Hoa Sim", "Hẹn Anh Đêm Nay", "Hận Tình", "Còn Nhớ Hay Không",…(với Anh Bằng), "Biệt Kinh Kỳ", "Thương Về Miền Trung", "Nhớ Nha Trang", "Lá Vàng Rơi", "Thương Về Miền Đất Lạnh", "Mưa Trên Phố Huế", "Thương Về Miền Trung", "Anh Tiền Tuyến, Em Hậu Phương".... ,…(với Minh Kỳ), "Tấm Ảnh Ngày Xưa", "Hà Tiên", "Huế Buồn", "Cánh Thiệp Hồng", "Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao", "Chiều Lên Bản Thượng", "Xác Pháo Nhà Ai", "Ga Chiều",... (Lê Dinh), còn nhiều để kể hết ra đây. Chuyện tình cờ hi hữu như huyền thoại vì đây là sự kết hợp khá lạ lùng giữa ba người nhạc sĩ dại diện cho ba miền đất nước là Nam Trung Bắc kết hợp lại với nhau. Ngoài việc sáng tác nhạc thì họ còn làm việc ở cả ba lãnh vực khác nhau, nhưng đã thật sự thành công đứng chung trong một công ty rất êm thấm qua bao năm sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc. Lê Minh Bằng là mô thức chung tiêu biểu cho việc đoàn kết tiến đến thành công về nghệ thuật và tài chánh.

Những hoạt động chính yếu của Nhóm Lê Minh Bằng (LMB) gồm dạy nhạc, đào tạo thế hệ trẻ. Nhiều ca sĩ thành danh xuất thân từ lò Lê Minh Bằng như Trang Mỹ Dung, Nhật Thiên Lan, Kim Loan, Giáng Thu,... Tổ chức Chương Trình Tuyển Lựa Ca Sĩ được tổ chức hàng tuần ở rạp hát Quốc Thanh (nằm trên đường Võ Tánh, góc đường Nguyễn Cư Trinh), do Đài Phát Thanh Sài Gòn thực hiện và được trực tiếp truyền thanh trên toàn quốc. Hoạt động mạnh mẽ là cùng sáng tác nhạc. Công ty Lê Minh Bằng gặt hái được những thành quả tài chánh khổng lồ nhất trong phạm vi sáng tác tân nhạc của thuở vàng son đó. Ngoài ra LMB còn là cố vấn cho hãng dĩa hát Asia và lập ban nhạc Sóng Mới trình diễn nhạc trên Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Duy Khiêm viết về nhiệm vụ của những thành viên trong nhóm Lê Minh Bằng như sau: "Điều đầu tiên mà mọi người vẫn thường hay thắc mắc là trong một bản nhạc của nhóm Lê Minh Bằng thì ai là người viết nhạc và ai là người viết lời (tức là giai điệu và ca từ)? Theo sự tiết lộ của thi sĩ Nguyên Sa, là một người bạn rất thân với nhạc sĩ Anh Bằng, qua một bài viết trước kia thì hầu như nhạc sĩ Anh Bằng là người sáng tác tất cả những bài hát của nhóm Lê Minh Bằng. Ông sáng tác trọn vẹn cả nhạc lẫn lời của các bài ca. Hai nhạc sĩ kia là Lê Dinh và Minh Kỳ chỉ góp ý và sửa chữa chút ít mà thôi trước khi cho phổ biến. Sự phân công về nhiệm vụ của từng người cũng rất lạ lùng và rất thuận tiện tùy theo nghề nghiệp và sở thích của mỗi người.

Nhạc sĩ Anh Bằng vốn là người trầm lặng, ít nói, không thích phô trương xuất hiện trên sân khấu hay trước đám đông. Ông thích dành nhiều thì giờ cho việc suy tư, trầm mặc trong yên lặng để sống với sáng tác theo tâm hồn nghệ sĩ của ông. Ông có một tâm hồn hết sức bén nhạy, dễ xúc cảm và vô cùng lãng mạn như lời Nguyên Sa thuật lại. Nên ông lãnh phần sáng tác các ca khúc cho nhóm. Còn nhạc sĩ Lê Dinh là công chức ở đài phát thanh Sài Gòn, nên ông có dịp theo dõi, liên lạc với các ban nhạc cộng tác với đài. Ông cũng góp ý và giúp cho việc phát thanh, phổ biến những sáng tác mới theo yêu cầu của khán giả khắp nơi liên lạc về đài. Riêng Minh Kỳ là Đại Úy cảnh sát nên lãnh nhiệm vụ giao dịch với các nhà in để thúc hối họ in ra kịp thời hạn những bản nhạc cần gởi đi các đại lý, cửa hàng văn hóa phẩm để bán."

Trước năm 75 các bản nhạc (music sheet) có ghi lời và note nhạc được in trên giấy khổ to (11.00"x17.00") xếp làm đôi. Mỗi một bản nhạc như vậy được bán với giá 5 đồng VNCH. Có nhiều bài hát của nhóm Lê Minh Bằng vừa xuất bản lần đầu 10,000 ấn bản đã bán sạch hết ngay trong tuần lễ đầu tiên. Các đại lý liên lạc yêu cầu tái bản thật nhanh để tung ra thị trường. Thành công vượt bực trong những nhạc phẩm của nhóm Lê Minh Bằng phải nói là bản “Chuyện Tình Lan Và Điệp”. Với số thu kếch sù như vậy thì việc chia chác ra sao? Bài Duy Khiêm kể là:

"Lợi tức của nhóm Lê Minh Bằng thu vào được hàng triệu đồng như vậy, thì việc phân chia làm sao? Nhạc sĩ Anh Bằng cho biết là mọi khoản tiền kiếm được đều được chia ra đồng đều làm ba phần cho ba nhạc sĩ, bất kể là nhiệm vụ của mỗi người ra sao. Công ty huyền thoại Lê Minh Bằng này đã hoạt động liên tục thành công như vậy đó trong suốt chín năm trời (1966-1975) và đã kiếm được hàng chục triệu đồng VNCH và họ cũng đã là những nhạc sĩ giàu nhứt thời đó. Nhưng ngoài việc hợp tác làm ăn chung này thì cả ba nhạc sĩ này cũng có làm ăn riêng rẽ, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của từng người."

Người có tinh thần bén nhậy về khả năng kinh doanh không ai khác hơn là Anh Bằng, bài viết nói về khía cạnh này là:

"Giàu nhất trong bộ ba này là nhạc sĩ Anh Bằng. Ngoài lãnh vực kinh doanh âm nhạc, gia đình ông còn có những cơ sở thương mại khác hái ra bộn tiền như hệ thống các quán cà phê có thương hiệu là Làng Văn ở đường Phan Kế Bính và Trần Quang Khải (Sài Gòn). Chủ nhân của lò bánh mì Michou Frères ở đường Trần Quang Khải cũng là Anh Bằng. Ông cũng là sở hữu chủ của một công ty xe đò chạy tuyến đường Sài Gòn–Đà Lạt. Tất cả những công việc giao dịch kinh doanh này ông đều giao cho các quản lý điều khiển để ông dành hết thì giờ vào nghệ thuật âm nhạc của ông." Như đã đề cập, nhạc sĩ Anh Bằng và gia đình di tản sang Mỹ từ năm 1975 với số tuổi vừa đúng tri thiên mệnh, 50, nhạc sĩ Anh Bằng vẫn tiếp tục hoạt động trong lãnh vực âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassettes tên là Dạ Lan trong những năm 1981-1990. Là một trung tâm sản xuất băng nhạc thành công, Anh Bằng cho thấy năng khiếu âm nhạc và kinh doanh được phối hợp nhịp nhàng như thuở trước 75. Rồi sau này ông về làm cố vấn cho Trung Tâm Asia Entertainment bắt đầu từ năm 1990. Trong suốt ba mươi mốt năm qua, nhạc sĩ Anh Bằng đã không ngừng sáng tác nhạc. Nếu trước năm 1975 số lượng các nhạc phẩm phổ thơ của ông chiếm chừng 10% trong tổng số các bài hát do ông sáng tác, thì sau này ra hải ngoại số bài hát phổ thơ hoặc lấy ý từ những bài thơ sẽ nhiều hợn điển hình như Trúc Đào, Chuyện Giàn Thiên Lý, Chuyện Tình Hoa Trắng, Chuyện Hoa Sim, Hiến Chương Tình Yêu, Anh Còn Nợ Em, Gửi Người Dưới Mộ, Truyện Kiều,...”

Những nhạc phẩm phổ từ thơ:

Trong DVD Asia-52, tôi nhớ khi xem tiết mục về Hồ Dzếnh và bài "Anh Cứ hẹn", nhạc Anh Bằng được viết năm 1986, phổ từ thơ Hồ Dzếnh, bài "Ngập Ngừng":

"Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé
Để một mình em dạo phố lang thang
Quán vắng quanh đây nụ hôn quá nồng nàn
Em bước vội để che hồn trống vắng

Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé
Để chuyện tình em đợi đến si mê
Những lúc xa nhau là tiếng sóng gần kề
Không dỗi hờn xót xa làm ướt mi

Tình yêu chỉ đẹp phút hẹn thề
Tình yêu sẽ buồn khi bước vào vòng đam mê
Tình như trái mộng chín rung rinh trên đầu cành
Tình như nắng lụa hóa mộng mơ..."

Theo bài viết của Nguyễn Tấn Long dựa vào tài liệu Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, quyển hạ. Ấn Hành Đông Xuân thì:

Thi Sĩ Hồ Dzếnh có tên thật là Hà Triệu Anh, sinh khoảng năm 1919. Ông cho xuất bản những tác phẩm sau:

- Quê Ngoại (thơ, gồm những thi bản góp nhặt từ năm 1935 đến 1942, xuất bản năm 1943);

- Hoa Xuân Đất Việt (thơ, gồm 15 thi bản);

- Chân Trời Cũ (tập Hồi ký, xuất bản năm 1942 và do nhà Hoa Tiên, Sài-gòn tái bản năm 1968);

- Một Truyện Tình 15 Năm Về Trước (tiểu thuyết, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, do nhà Hoa Tiên, Sài Gòn tái bản năm 1968);

- Hai Mối Tình hay Tiếng Kêu Trong Máu (truyện dài, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, do nhà Hợp Lực, Sài Gòn tái bản năm 1968);

- Dĩ Vãng (đoản thiên tiểu thuyết)

- Những Vành Khăn Trắng (tiểu thuyết, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh);

- Đường Kẽ Mãnh (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật ,số 187, 12-12-1943);

- Nhà Nhiều Con (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật, số 206, 11-6-1944).

- và nhiều truyện ngắn đăng rải rác trong các giai phẩm xuất bản vào thời tiền-chiến.

Vào thời tiền chiến, có một tập thơ ra đời: tập Quê Ngoại của Hồ Dzếnh. Nội nghe cái tên ông cũng đủ làm người ta lưu tâm đến tác phẩm. Và nhà xuất bản Á châu ấn cục đã ưng ý tác phẩm khi giới thiệu cùng độc giả những lời sau đây:

"Lần đầu tiên thi ca Việt-nam được tô điểm một cách trau chuốt bằng ngọn bút linh diệu của nhà thơ ngoại quốc."

Hồ Dzếnh là người gốc Minh Hương, khiếu làm thơ của ông là sự thiên phú cho những áng thơ thật mượt mà, ví dụ bài "Ngập Ngừng" (tức nhạc "Anh Cứ Hẹn"), các bài khác của ông như: "Tưởng Chuyện Ngàn Sau", "Tình Xưa", "Sáng Quê", "Xuân Đôi Ta",... Nhà xuất bản Á châu ấn cục viết tiếp: "Tên tuổi người Minh-hương ấy, văn học quốc ngữ không nề hà gì mà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn hữu tài."

Bài hát "Anh Cứ hẹn", hòa âm do Sỹ Đan, trình bày bởi 4 giọng ca trẻ gồm Cardin, Trish Thùy Trang, Thùy Hương và Dạ Nhật Yến.

Asia-52 còn có mục Trịnh Hội phỏng vấn hai nhà thơ Yên Thao và Kiên Giang. Tôi cũng tham khảo nhiều tài liệu văn học, nên những tài liệu sống mà Hội lấy được từ các nhân chứng sống sẽ rất tốt cho các thế hệ mai sau này biết được các văn nghệ sĩ sống ra sao vào thời kỳ của họ.

Nhà thơ Yên Thao có tên thật là Nguyễn Bảo Thịnh, sinh ngày 21-1-1927 quê Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bài thơ của ông về giàn thiên lý có tên là "Nhà Tôi", có cốt chuyện là vào năm 1949, ông công tác văn nghệ tại Quân đội liên khu 3, theo một đơn vị đánh vào một đồn binh Pháp đồn trú cạnh sông ở một làng đồi.Trong lúc đợi chờ giờ nổ súng, ông trò chuyện với anh em và được biết ở đơn vị này có một cậu quê ở ngay làng đồi đó. Phía bên ấy đang còn mẹ và vợ. Cậu ta lấy vợ được chừng tháng thì chiến tranh bùng nổ. Chàng trai lên đường đi kháng chiến, chia tay người vợ trẻ. Trong câu chuyện, mấy lần cậu ta nhắc tới giàn thiên lý của nhà mình. Yên Thao rất thích câu chuyện và viết nên bài thơ "Nhà Tôi". Có lẽ người viết đã hòa nhập được với người kể nên bài thơ sau này được phổ biến rộng rải khắp nơi.

Chuyện tình này được nhạc sĩ Anh Bằng đưa vào nhạc qua tựa bài "Chuyện Giàn Thiên Lý" như sau:

"Tôi đứng bên này sông, bên kia vùng lửa khói.
Làng tôi đây, bao năm dài chinh chiến,
từng lũy tre muộn phiền.
Tôi có người vợ ngoan.
Đẹp như trăng mười sáu, cưới rồi đành xa nhau.

Nhớ đôi môi nàng hiền, xinh xinh màu nắng.
Má nàng hồng thơm mùi thơm lúa non.
Ai ra đi mà không từng bịn rịn.
Xa người yêu mà dễ mấy ai vui.

Em nhìn theo bằng nước mắt chia phôi.
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ
Này anh lính chiến, người bạn pháo binh. Mẹ tôi tóc sương từng đêm nghe đạn pháo rơi thật buồn.

Anh rót cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi.
Nhà tôi ở cuối chân đồi,
có giàn thiên lý, có người tôi thương."

Về nhà thơ Kiên Giang thì tiểu sử của ông có tên thật Trương Khương Trinh, bút hiệu khác Hà Huy Hà; sinh ngày 17.2.1929 tại Rạch Giá. Hai tác phẩm đã xuất bản là:"Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím" (1962) và "Lúa Sạ Miền Nam" (1970). Điều mà tôi nhớ khi xem về tiểu sử Nguyễn Bính lúc ông trôi dạt xuống miệt Rạch Giá năm 1942, ông sống giang hồ lãng tử, có những ngày không có tiền mua gạo, thì Kiên Giang Hà Huy Hà lén gia dình xúc gạo đem tiếp tế cho Nguyễn Bính, hai ông thân nhau, tâm đắc qua thi ca trữ tình, lãng mạn. Ngày nay cả hai đã gặp nhau trong vườn hoa văn học sử Việt Nam. Bài "Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím" là tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, được viết năm 1958. Sau bài thơ này được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành nhạc là bài "Chuyện Tình Hoa Trắng", nói về một chuyện tình lãng mạn và cảm động:

"Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường

Từ lúc giặc tràn qua xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím cành hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng
Súng gầm vang đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch nát xây tường cũ
Chiếm lại lầu chuông nóc giáo đường

Nhưng rồi người trai anh hùng ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều hồi vĩnh biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ..."

Kế đến là người thi sĩ có dính dấp đến phản kháng nhà cầm quyền Cộng Sản ngay những năm của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Đó là thi sĩ Hữu Loan. Tiểu sử của ông được ghi nhận như sau:

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, quê anh ở Thôn Vân Hườn, xã Nga Lĩnh, Huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Cha Hữu Loan là một nhà nho nghèo. Lúc còn nhỏ Hữu Loan thường nghe cha mình ngâm thơ của cụ Nguyễn Công Trứ và Hữu Loan đã thấm nhuần hai câu thơ :

"Làm trai đứng ở trong trời đất.
Phải có danh gì với núi sông."



Thi sĩ Hữu Loan

Năm 1956, phong trào Văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác, tạo ra thành một vụ án văn học và chính trị. Nhiều văn nghệ sĩ trong nhóm “Nhân văn - Giai phẩm” bị treo bút, bắt đi lao động, cải tạo, tù đày. Hữu Loan vì tham gia các tạp chí “Nhân văn” và “Đất mới” nên bị quản thúc tại quê nhà, và cấm không được liên lạc với ai. Hữu Loan với phong cách bất khuất, không sợ bạo lực, ông sống với lương tâm và lẽ phải. Ông chỉ Hội chữ "Tâm" trên bàn thờ qua nét thư họa là điều ông tin tưởng và tôn thờ, mỗi người hãy sống với cái "Tâm" của chính mình. Hữu Loan được quần chúng mến mộ qua bài thơ nổi danh “Màu Tím Hoa Sim”, vì nó phản ảnh mối tình thật của ông ngoài đời. Một bài thơ được phổ biến trong nhiều thập niên qua, rồi nó đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài hát làm say mê quần chúng từ thành thị đến tận nông thôn miền Nam ngày trước. Nhạc sĩ Anh Bằng cũng đã phổ bài thơ này thành "Chuyện Hoa Sim":

" Rừng hoang đẹp nhất hoa màu tím
Chuyện tình thương nhất chuyện hoa sim
Có người con gái xuân vời vợi
Tóc còn ngăn ngắn chưa đầy búi

Ngày xưa nàng vẫn yêu màu tím
Chiều chiều lên những đồi hoa sim
Đứng nhìn sim tím hoang biền biệt
Nhớ chồng chinh chiến miền xa xăm

Ôi lấy chồng chiến binh
Lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại
Sợ khi mình đi mãi, sợ khi mình không về
Thì thương người vợ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em nhỏ hậu phương
Mà chết người em gái tôi thương..."

Liên khúc ba nhạc phẩm "Chuyện Hoa Sim", "Chuyện Giàn Thiên Lý" và "Chuyện Tình Hoa Trắng của Anh Bằng được Trúc Hồ soạn phần hòa âm qua 5 giọng hát Băng Tâm, Y Phụng, Đặng Thế Luân, Mạnh Đình và Ngọc Huyền.

Tiết mục thơ sau cùng mà tôi nhớ là về thi sĩ Nhất Tuấn và bài thơ "Hoa Học Trò" của ông được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc vào năm 1965 dưới tên "Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không". Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng giới thiệu tôi với thi sĩ Nhất Tuấn. Trong một dịp nói chuyện phone với tác giả của bài thơ "Hoa Học Trò", ông kể lại như sau: "Tôi làm bài thơ Hoa Học Trò vào khoảng cuối thập niên (1960). Thành thật mà nói, tôi bị ảnh huởng bởi mấy câu thơ của nhà thơ đàn anh, thi sĩ Nguyễn Tố, đại khái là tôi thích mấy câu lục bát này của Nguyễn Tố như sau:

"Nàng rằng hoa rụng mình ơi
Nhặt cho đầy giỏ rồi chơi vợ chồng
Thế mà khi tới loan phòng
Thì ai tôi có là chồng nàng đâu…"

Và tôi làm bài thơ của tôi khi nhớ lại là cái thuở ngày xưa còn bé cũng chơi với mấy đấng bạn nhi đồng nam nữ xoa hoa dâm bụt, hoa phượng vào má nhau cho đỏ cho đẹp như cô dâu ngày đám cưới. Chỉ có vậy thôi. Rồi cái số của tôi là, ngay từ những bài thơ đầu, tự dưng ưa làm thơ mà nhiều xui xẻo khi vào đoạn kết những bài thơ, để cho có vẻ lâm li bi đát buồn vơi trong các tập "Truyện Chúng Mình" của những ngày xa xưa đó lại có bài thơ "Hoa Học Trò" mà bạn hỏi."

Thi sĩ Nhất Tuấn rất vui tính và hẳn mang nhiều nét nghệ sĩ tính, ông cho biết bài thơ "Hoa Học Trò" được 3 nhạc sĩ phổ thành nhạc là nhạc sĩ Hoàng Lang (giáo sư dạy nhạc tại trường trung học Petrus Ký, rồi nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh và nhạc sĩ Anh Bằng. Sơ qua về tiểu sử của Nhất Tuấn thì tên thật của ông là Phạm Hậu, phục vụ trong QLVNCH, cấp bậc trung tá (04/75) tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Tri. Theo thời gian tùng sự thì ông lần luợt chỉ huy các đơn vị Văn Nghệ Quân Đội, các Đài Phát Thanh Quân Đội tại Đông Hà, Huế, và Sài Gòn. Bên ngành dân sự, không kể nhiều chức vụ chỉ huy khác, chỉ riêng trong ngành truyền thông, ông cũng là Giám Đốc các Đài Phát Thanh Nha Trang, Sài Gòn, và sau là Hệ Thống Trưởng Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam của Việt Nam Cộng Hòa. Về sau ông qua nhận chức vụ Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã. Tưởng cũng nên ghi nhận thêm vào năm 1954 ông phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù, năm 1961 thuyên chuyển sang Thuỷ Quân Lục Chiến. Ông yêu đời lính chiến. Chính vì thế ông đã sáng tác hai tác phẩm "Đời Lính", tập truyện 1 và 2 về đời quân ngũ do nhà sách Khai Trí, Sài Gòn xuất bản và tái bản trước 1975. Thi phẩm của Nhất Tuấn mà nhiều người biết đến là tác phẩm "Truyện Chúng Mình". Hiện nay ông sống tại thành phố Seattle, thuộc tiểu bang Washington, đã về hưu sau gần 20 năm làm công chức cho chính phủ Hoa Kỳ.

Bài ca "Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không" được trình bày qua hai giọng hát truyền cảm của Nguyên Khang và Diễm Liên :

"Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ anh rủ em ra
Baỏ nhặt hoa phượng để mà chơi chung
Bây giờ còn nhớ hay không ?
Anh đem cánh phượng tô hồng má em
Ðể cho em đẹp như tiên
Nhưng em không chịu sợ lên trên trời
Lên trời hai đứa hai nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Sao tình hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rưng rưng phượng nở trên đầu
Tìm em tối biết tìm đâu bây giờ ? "

Tựu trung, tác phẩm văn nghệ Asia-52 đã đưa khán giả đi từ Hà Nội cổ kính đến Huế thơ mộng, rồi vào cao nguyên Đà Lạt, sang vùng duyên hải Nha Trang, rồi xuống tận cùng phía nam có thiên nhiên hùng vĩ của Hà Tiên, bao trùm cả một bầu trời quê hương đất nước với nhạc của nhóm LMB. Tôi nghe tiếng nhạc có "Đêm Nguyện Cầu" với bộ ba Trung Chỉnh, Chế Linh và Thanh Lan, có "Bóng Đêm" với một Dalena của Mỹ Châu phối hợp với chất giọng Thái Doanh Doanh của Phương Đông, có "Nỗi Lòng Người Đi", có "Linh Hồn Tượng Đá" với Minh Thông và Khải Tuấn,... có nhiều bài của LMB được trình bày. Nhưng tiết mục khá đặc biệt là sự xuất hiện của nhóm Sao Băng. Bài "Ly Café Cuối Cùng" trước đây tại Sài Gòn do ban tam ca Sao Băng hát, những ngày xưa còn có Duy Mỹ, bây giờ chỉ còn lại Thanh Phong va Phương Đại. Khán giả không khỏi xúc động khi nghe những chia sẻ Thanh Phong giới thiệu về người bạn mình đi đứng khó khăn và nói chuyện không còn bình thường nữa sau một cơn bạo bệnh. Bài ca kỷ niệm đó nay được thế hệ trẻ ôn lại quá khứ năm xưa, âm thanh ngày cũ với ba giọng hát trẻ: Duy Trường và Tường Nguyên và Tường Khuê.

Nhạc LMB có nhiều tác phẩm đã vào quảng đại quần chúng. Tôi lắng nghe âm thanh mới lạ từ kỹ thuật hòa âm, phối khí của Trung Tâm Asia do những tài năng trẻ như Trúc Sinh, Trúc Hồ và Sỹ Đan. Chính họ đã đem luồng gió âm nhạc khác biệt trong cái mới lạ của âm nhạc Asia. Asia hướng về tương lai tươi trẻ của nhiều người trẻ, bảo tồn nét văn hóa cũ, áp dụng đường hướng mới.

Asia bị nhà cầm quyền CSVN nghiêm khắc lên án. Không hề chi. Đường nào ngay thẳng thì ta hãy cứ đi. Như nhà thơ Hoàng Cầm nhắn nhũ người trẻ hãy làm những gì mình thấy đúng hay như với nhà thơ Hữu Loan nhắn gửi hãy sống với cái Tâm chân thiện của chính mình. Nhà thơ Tagore đã từng nói: "Bạo lực thất bại trước lương tâm con người". Tôi cầu chúc các bạn trẻ Asia hãy vững tâm làm theo ý nguyện mình để bảo vệ nét Chân Thiện Mỹ, vì đó là nền tảng của nghệ thuật, các bạn nhé!

Hoạt cảnh cuối cùng được MC Leyna Nguyễn dùng Anh ngữ diễn đạt đến các em thuộc thế hệ nhỏ không mấy rành Việt ngữ như lời chúc an bình cho xứ sở Việt Nam:

"Throughout this program, we enjoyed the music of LMB, their messages are simple and clear that let love replaces hatred, and may there be peace on earth. So that we can all enjoy the wonderful things that life offers. But in this world today, wars are still being fought, the sound of gunfire still rings in the distance, and life is still being sacrificed in the pursuit of peace. Please join us in a final song as we pray for a world, in which men will lay down their guns and embrace one another with kind hearts, a world of peace, love, liberty and justice for all.".

Kế tiếp MC Nam Lộc phát biểu như lời kêu gọi nguyện cầu cho quê hương Việt Nam:

"Thế giới mà chúng ta đang sống vẫn đắm chìm trong khói lửa chiến tranh. Súng vẫn nổ và máu vẫn rơi. Khổ đau vẫn bao trùm nhân loại. Xin quý vị hãy cùng chúng tôi dâng lên lời nguyện cầu để mọi người đều được sống bình yên và tận hưởng những gì cao quý nhất mà Thượng Đế đã ban cho: Đó là Nhân Quyền, Tự Do, Công Lý và Hòa Bình qua nhạc phẩm Đêm Nguyện Cầu, của LMB. Sẽ được toàn thể nam nữ nghệ sĩ góp mặt trong chương trình hôm nay trình bầy gởi đến quí vị sau đây."

Bài hát "Đêm Nguyện Cầu". được toàn thể ca sĩ tham dự Asia-52 đồng ca:

"Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối
Tôi đi chinh chiến bao năm trường miệt mài
Và hồn tôi mang vết thương vết thương trần ai

Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu.
Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu
Bâng khuâng nghe súng vang trong sa mù
Buồn gục đầu nghẹn ngào nghe non nước tôi trăm ngàn ưu sầu

Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài.
Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn.
Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền.
Vì đất nước đang còn ưu phiền.
Còn tiếng khóc đi vào đêm tường triền miên.

Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu.
Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu
Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình
Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?"



Việt Hải, Los Angeles



(Nguồn: Trang nhà Việt Hải, LA)


Mục Lục | | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com