Liên lạc tác giả



LÊ MỘNG NGUYÊN

Paris, France














































Thuyết trình của Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên *
trong Chiều « Hương Thu Paris »
(Nhà Thờ St-Hippolyte – 21 th.11-2010)

Nhạc tiền chiến là nhạc trước và trong chiến tranh giữa Pháp (thuộc địa) và Việt Minh, bùng nổ cuối năm 1946 cho đến lúc Hiệp Định Genève được ký kết ngày 20/07/1954, chấm dứt chiến cuộc lần thứ nhất trên bán đảo Đông Dương sau thất thủ Điện Biên (07/05/1954). Từ đó, nước ta bị cắt đôi với sông Bến Hải làm biên thùy : Bắc Việt (trên vĩ tuyến 17) thuộc Cộng Hòa Dân Chủ VN (République Démocratique du Vietnam), Nam Việt (dưới vĩ tuyến 17) thuộc Chính Phủ Quốc Gia, trở thành Cộng Hòa Việt Nam Đệ Nhất (Première République du Vietnam) bắt nguồn từ HP 26/10/1956 do Ngô Đình Diệm ban bố sau khi truất phế Bảo Đại qua một cuộc Trưng Cầu Dân Ý.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn trong Tuần báo Việt Nam Số 797, ngày 06 th.8-2004, đã viết trên mạng (dưới chủ đề Nhạc Tiền chiến Trong Nước) : « Nhớ lại những ngày chiến tranh lan tràn, sắp tới lúc hiệp định Genève được ký kết, cả đất nước dường lênh đênh chưa biết rồi sẽ trôi giạt về đâu, cũng là lúc người ta được nghe trên khắp các đài phát thanh Hà Nội, Huế, Pháp Á, Sài Gòn… bài « Trăng Mờ Bên Suối » qua giọng hát của hầu hết các danh ca của chúng ta thời bấy giờ : Tâm Vấn, Minh Đỗ, Ngọc Bảo, Minh Trang, Ngọc Hà, Minh Diệu, Mạnh Phát, Anh Ngọc v.v… nhạc như một nỗi khát khao tìm về một nơi yên ấm mà thực tế lúc nào cũng như đe dọa lấy mất. Cái chốn hạnh phúc có thể nương náu ấy dường như chỉ còn là, chỉ tồn tại trong mơ ước ».

Định nghĩa NTC, Wikipedia tóm tắt qua một câu : « Nhạc tiền chiến là dòng nhạc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam mang âm hưởng trữ tình lãng mạn xuất hiện vào cuối thập niên 1930. » Nhạc hùng yêu nước, yêu đời, yêu người, yêu vạn vật… có thuộc hay không vào dòng nhạc lãng mạn tiền chiến theo định nghĩa của Bách khoa toàn thư nói trên ?







Tổ tiên chúng ta sống trong thời đại đảo điên giữa hai thế chiến từ 1919 tới 1939, chứng nhân của một xã hội Việt Nam thấm nhuần triết lý Khổng, Phật và Lão Tử (với những giá trị cổ truyền) phải chống đối với cải tân của Âu Tây do nước Pháp đô hộ đem lại cho bản xứ. Sự đụng chạm giữa hai nền văn hóa Á – Âu có ảnh hưởng mạnh đến giới thi ca văn nghệ – thành hình của một phần tử tinh nhuệ mới (thuộc trung lưu trí thức Âu Tây hóa), hoàn toàn thán phục Cách Mạng Pháp 1789 (đề cao phẩm cách con người, tự do, bình đẳng, kháng cự áp bức…) và tư tưởng về nhân dân trước quyền lực, của Thế Kỷ Ánh Sáng (Siècle des Lumières). Nước Pháp như vậy đã du nhập vào thuộc địa Việt Nam những quan niệm về quyền tự quyết của mỗi dân tộc và quyền tự do của mỗi con người (tự do luyến ái, tự do hôn nhân…). Phong trào lãng mạn trong thi ca Pháp qua những tác phẩm của Lamartine, Alfred de Musset, Félix Arvers, vân vân, ảnh hưởng mạnh vào giới trí thức Âu Tây hóa (Trào lưu Tự Lực Văn Đoàn trên mặt văn chương và xã hội, trào lưu Thơ Nhạc Trữ tình, lãng mạn Tiền chiến…).

Nhạc tiền chiến VN dưới khía cạnh này, được khai sinh giữa hai thế giới chiến tranh : Ban đầu là những bài hát lời ta theo điệu Tây. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể gọi đó là nhạc VN mặc dầu những bài ca, hát theo giọng Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton (như Marinella, Tant qu’il y aura des étoiles, Les gars de la marine, Guitare d’amour, Sous les ponts de Paris, Le plus beau tango du monde… - phần lớn do Vincent Scotto viết nhạc, và : J’ai deux amours ( Lời Pháp ngữ của Henri Varna và Géo Koger) theo giọng Joséphine Baker (J’ai deux amours, Mon pays et Paris, Par eux toujours, Mon cœur est ravi…), tràn lan trong năm 1937 trên Đài PT Saigon, Hà Nội, Huế, trong những quán rượu, tiệm khiêu vũ, được Ái Liên và Kim Thoa cho vào đĩa Béka, bán rất chạy, nhưng vẫn là nhạc Pháp. Sau thế chiến thứ nhất, những bài nhạc ái quốc « La Marseillaise » hay « La Madelon » cũng rất nổi tiếng ở bán đảo thuộc địa Pháp.

Để chống lại sự tàn phá những tinh hoa của văn hóa dân tộc bởi những cung điệu ngoại lai, một vài nhạc sĩ tiền phong như Thẩm Oánh (chủ đích sáng tác nhạc mới nhưng với âm hưởng dân tộc) và Dương Thiệu Tước (chủ đích sáng tác mới theo nhạc ngữ Tây phương), song cả hai đều đồng ý kiến : tân nhạc phải gồm những bài hát tự tác giả viết nhạc và lời hoàn toàn VN. Song : « Hầu hết những nhà phê bình cho rằng tân nhạc VN bắt đầu bằng buổi biểu diễn của Nguyễn Văn Tuyên trình bày các tác phẩm của ông ở Hà Nội vào ngày 9 tháng 6 năm 1938. Đây là buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng » (x. Phạm Hồng Lam, Định Hướng , số Mùa Đông 2008).

Sinh tại Huế, Nguyễn Văn Tuyên tự học căn bản lý thuyết âm nhạc trong những sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh trường trung học. Ca khúc đầu tiên là một bài thơ được Nguyễn Văn Tuyên phổ nhạc, và Tuyên được Thống đốc Nam Kỳ Pages tài trợ để quảng bá những nhạc phẩm hoàn toàn VN cho quần chúng. Năm 1927, người Pháp mở Trường dạy nhạc ở Hà Nội lấy tên Conservatoire d’Extrême Orient, nhưng phải đóng cửa 3 năm sau (1930) vì khủng hoảng kinh tế. Từ dạo ấy, những nhạc sĩ may mắn được theo học Trường Âm Nhạc Học Hiệu Viễn Đông, trở thành giáo viên dạy nhạc cho các thế hệ sau.

Hai nhóm chính (tương tự Nhóm Nhạc Việt ngày nay trên mạng) chủ đích truyền bá tân nhạc VN, hoàn toàn VN, thành lập vào khoảng năm 1938 là « Myosotis » có nghĩa là hoa lưu ly (từ tiếng Pháp « Ne m’oubliez pas » do hai nhạc sĩ (đã nhắc nhở trên) Thẩm Oánh & Dương Thiệu Tước cầm đầu và Tricéa gồm 3 thành viên : Văn Chung, Lê Yên và Dzoãn Mẫn. Tricéa có nghĩa là (3 chữ C và 3 chữ A : Collection des Chants Composés par des Artistes Annamites Associés).





BẤM PLAY

Nhạc phẩm Bài thơ Huế của Lê Mộng Nguyên do Nữ Ca sĩ Vân Khánh trình bài.





Nhạc Hoàng Hoa Thôn của Lê Mộng Nguyên.
Trình bày: Xuân Thảo.
Mix, hòa âm & thâu thanh : Lê Duy, Montreal, Canada.
Video clip by: Minh Hồ và Minh Hồ Đào.



Tác phẩm của những nhạc sĩ nói trên đều được Nhà Xuất Bản Hương Mộc Lan, 146 Đường Cây Mai Chợ Lớn, cho in và phát hành trước hay sau 1949 là năm mà « Vó Ngựa Giang Hồ » của Lê Mộng Nguyên được ông Giám đốc Trần Văn Đặng xuất bản đầu năm ấy và trả tiền nhuận bút (bài Chiều Thu cùng tác giả cũng được loan báo, ngay trong sách Nhạc Lý Dẫn Giải của Hương Mộc Lan (Lời Tựa của NS Lê Thương-Sài Gòn ) xuất bản trong Mùa Thu năm 1949. HML cũng trong năm 1949 : đã xuất bản TÌNH QUAN SAN của Nhạc sĩ tiền chiến NGUYỄN VIỆT (thân phụ của Nhạc sĩ Vĩ Cầm LINH CHI có mặt hôm nay trong Chiều Hương Thu Paris). Nguyễn Việt cũng là tác giả bài Trung Thu Đỉnh Núi (Thế Giới xb năm 1948) và Oanh Oanh (An Phú xb. 1953). Ngoài HML và Tinh Hoa, An Phú & Á Châu đã xuất bản hầu hết những bản nhạc tiền chiến mà Lê Mộng Nguyên đã để lại VN trước khi lấy máy bay qua Pháp ngày 5 tháng 10-1950 : Ly Hương, Bài Thơ Huế, Đôi Mắt Nhung, Mơ Đà Lạt… Trăng Mờ Bên Suối, Hoàng Hoa Thôn, Nhớ Huế, Trọng Thủy Mỵ Châu,… Bài XUÂN TƯƠI (1) viết năm 1945 được đăng trên báo Quốc Gia Tết Mậu Tý, bài « Mừng Khánh Đản » viết năm 1948 được đăng trong Phật Giáo Văn Tập trong dịp khánh thành chùa Từ Đàm, ngày Mồng Tám Tháng Tư.





BẤM PLAY



Nhạc phẩm Xuân tươi (1945) của Lê Mộng Nguyên do Ca sĩ Đức Phú trình bày và phần hòa âm của Võ Công Diên.



Nhóm Tricéa có nhiều ca khúc trong năm 1939 được đồng bào hâm mộ như : Bóng Ai Qua Thềm của Văn Chung, và nhất là Biệt Ly của Dzoãn Mẫn :

Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay
Biệt ly, sống trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi, nước trôi, ngày thắm trôi, cùng nước trôi…

hoặc Bẽ Bàng , Ngựa Phi Đường Xa của Lê Yên.





Nhạc phẩm Biệt Ly của Dzoãn Mẫn do Thanh Hà trình bày.



Nhóm Đồng Vọng do Hoàng Quí đảm nhiệm từ 1939, lấy nguồn gốc từ tráng sinh Hướng Đạo biết âm nhạc, tiên phong của dòng nhạc hùng trong nhạc mới nước ta, gồm nhiều nhạc sĩ như Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân và Hoàng Phú (tức Tô Vũ), Hùng Lân vân vân… Nhóm này cùng đi chung với Tổng Hội Sinh viên Hà Nội của Lưu Hữu Phước muốn tranh đấu chống Pháp thuộc địa và Nhật phát xít, dành lại độc lập cho nước nhà : Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng, Hờn Sông Gianh… toàn được thanh thiếu niên hồi ấy yêu chuộng và đồng ca trong những buổi họp.

Thời nhạc tiền chiến thực sự gồm nhạc bản viết và in trong giai đoạn 1945-1946 cho đến ngày 20 th.7 năm 1954 với Thỏa hiệp Genève. Trong khoảng thời gian đó, ngay từ cuối 1946, biết bao nhạc sĩ với mục đích nâng cao tinh thần chiến đấu, đã viết những ca khúc chống thực dân, nhưng cùng một lúc vẫn tiếp tục làm nhạc trữ tình lãng mạn : Nguyễn Văn Tý chẳng hạn đã sáng tác bài « Dư Âm » :

Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung
Trăng vờn làn sóng
Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi
Đôi mắt xa vời…





Nhạc Dư Âm của Nguyễn Văn Tý do Dalena & Anh Khoa trình bày song ca.



Trần Hoàn (cùng một promotion với tôi ở Trường Khải Định) với bài « Sơn Nữ Ca » :

Một đêm trong rừng vắng
Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh
Một đêm trong rừng núi
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa
Ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng…





Nhạc phẩm Sơn nữ ca
của Trần Hoàn do Ngọc Tân trình.



Và nhân bài TMBS trong chiến khu, Trịnh Hưng có viết thư cho tôi, đề ngày 14 tháng 3 – 1998 : « Năm 1951, tôi còn là Bộ Đội Việt Minh, làm Văn Công, tôi đã được nghe họ hát nhiều bản nhạc TMBS của anh. Không biết từ đâu nó lại lọt ra vùng Kháng Chiến và được phổ biến mạnh. Lúc đó thời KC, chính phủ Cách Mạng cấm tất cả mọi người hát các bản nhạc ủy mị và lãng mạn vì giảm tinh thần chiến đấu của quân đội…

Nhưng bài TMBS được họ hoan nghênh và âm thầm phổ biến một cách mau lẹ… »

Tô Hải với « Nụ Cười Sơn Cước » : Tôi nhớ mãi một mùa xuân chia phôi/ Mây mờ buông xuống núi đồi và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời/ Cỏ cây hoa lá thương tiếc mãi người đi, Và dâng sầu lên mi mắt người về…

Kính thưa quí vị,

Các bạn thân mến,

« Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên… »

« Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng… »

« Bến ấy ngày xưa, người đi, vấn vương biệt ly !
Gió cuốn muôn phương về đây
Thấy bóng người về hay chăng ? »

« Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
Nhớ phút chia ly
Ngại ngùng bước chân đi
Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh… »

« Thiên Thai » của Văn Cao, « Con Thuyền Không Bến » của Đặng Thế Phong, « Biệt Ly » của Dzoãn Mẫn, « Ngày Về » của Hoàng Giác, và lẽ dĩ nhiên : « Đêm Đông » của Nguyễn Văn Thương » và nhất là « Chiều Vàng » của Nguyễn Văn Khánh :

Trên đồi xanh chiều đổ xuống dần
Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng
Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời
Lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn
Buồn xa vắng buồn
Lòng thầm nhớ tới người chiều xưa cũng trên đồi cùng ta…

vân vân là những tình khúc lãng mạn mà tôi ưa thích lúc còn niên thiếu và thích hát mỗi ngày vì người hát cảm xúc và người nghe theo dõi với tất cả tâm hồn, vì đó là tiếng nói của con tim. Tôi còn nhớ lúc tôi theo học Ban Triết Lý và Sinh Ngữ vào những năm 1944-1945 tại Trường Quốc Học Khải Định (trước Cách mạng Tháng 8) có một Bà giáo sư người Pháp, Madame Chambon, phu nhân của ông chủ sự Nhà Bưu Điện TP Huế, bao giờ cũng để dành 5-10 phút cuối cùng cho Tôn Thất Niệm và Lê Mộng Nguyên trình bày cho tất cả lớp những bài ca đúng giọng mình… Để nhắc lại thời tươi trẻ này, nhà văn học sử Nguyễn Cúc đã ghi lại trong tạp chí « Tiếng Sông Hương », Dallas 1996, trong LTS giới thiệu truyện ngắn Khúc Nhạc Trở Về của LMN : « Học sinh Khải Định thế hệ 45, hay hát và hát hay có Tôn Thất Niệm và Lê Mộng Nguyên. Bạn bè « hai phe », mỗi người thích một giọng hát riêng. Tôn thất Niệm… giọng trầm, hơi « ấm » với tiếng ngân microtone như lắng đọng trong tim xa vắng… lâng lâng. Lê Mộng Nguyên, tiếng hát velato, nhẹ nhàng, ướt át, hụt hẳng chơi vơi. Cũng cùng thế hệ 45, sáng tác nhạc … có Nguyễn Tăng Hích Trần Hoàn « Sơn Nữ Ca » rất « fantasia » và Trăng Mờ Bên Suối Lê Mộng Nguyên, sáng tác rất Luttuoso… ».

Nhà Xuất Bản Xuân Thu, Trong Tuyển Tập 5 (Hộp Thư 720065 Houston Texas 77272) để dành cho hơn « 40 Tình Khúc Tiền Chiến Tiêu Biểu » của các Nhạc Sĩ Văn Cao (Thiên Thai, Trương Chi, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu), Đặng Thế Phong (Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến), Hoàng Giác (Ngày Về, Quê Hương, Mơ Hoa), Nguyễn Văn Tý (Dư Âm), Hồ Dzếnh (Chiều), Tu Mi (Tan Tác), Dzoãn Mẫn (Dứt Đường Tơ, Biệt Ly), Lê Mộng Nguyên (Trăng Mờ Bên Suối), Hoàng Trọng (Nhạc Sầu Tương Tư, Chiều Tha Hương, Dừng Bước Giang Hồ), Trần Hoàn (Sơn Nữ Ca), Hoàng Quý (Chùa Hương), Thẩm Oánh (Thiếu Phụ Nam Xương, Tôi Bán Đường Tơ, Xa cách Muôn Trùng), Phan Huỳnh Điểu (Trầu Cau), Nguyễn Văn Thương (Đêm Đông, Bướm Hoa), Hoàng Hương Trang (Chiều Tưởng Nhớ), Đoàn Chuẩn - Từ Linh (Lá Đổ Muôn Chiều, Lá Thư, Thu Quyến Rũ, Tình Nghệ Sĩ), Phạm Duy (Bên Cầu Biên Giới, Ngậm Ngùi, Khối tình Trương Chi), Tô Vũ (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tạ Từ), Lê Trạch Lựu (Em Tôi) :

Em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt
Buồn vương giấc mơ
Vu vơ đắm đuối theo ngàn áng mây
Bao đêm thầm đếm trên trời đầy sao sáng
Buồn vương man mác theo lời gió reo lời thơ…

Lâm Tuyền (Tiếng Thời Gian), Hồ Đình Phương (Từ Giã Kinh Thành, Tình Quê), Lê Trọng Nguyễn (Nắng chiều), Dương Thiệu Tước (Bóng Chiều Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự, Kiếp Hoa, Tiếng Xưa), Lê Thương (Thằng Cuội, Hòn Vọng Phu I, II, III , Tiếng Thu – Thơ Lưu Trọng Lư, Bản Đàn Xuân, Anh Việt (Bến Cũ), Lưu Bách Thụ (Con thuyền Xa bến) ; Đan Trường (Trách Người Đi) :

… Gió thu về mang thương nhớ
Đến cho lòng thêm chan chứa
Lá ngô bay trong sương sầu
Biết bao giờ còn thấy nhau
Tôi buông màn sương pha muối
Xót xa lòng riêng trăm mối
Gió thu xưa không quên về
Cớ sao mà người cứ đi… (Điệp Khúc)

Nguyễn Hiền (Hồ Than Thở), Nguyễn Thiện Tơ (Giáo Đường Im Bóng), Cung Tiến (Thu Vàng), Ngọc Bích (Mộng Chiều Xuân), Văn Chung (Sóng Vàng, Bóng Ai Qua Thềm), Lê Yên & Văn Chung (Bẽ Bàng), Văn Phụng (Trăng Sáng Vườn Chè, Trăng Sơn Cước)… vân vân. Thông Đạt (Ai Về Sông Tương : Ai có về bên bến sông Tương, Nhắn người duyên dáng tôi thương, Bao ngày ôm mối tơ vương…), Hoàng Nguyên (Ai lên xứ hoa đào : Ai lên xứ Hoa Đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi, Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi, Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ, Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ, Nghe tâm tư mơ ước Mộng Đào Nguyên, đẹp như chuyện ngày xưa…

Năm 2001, ngày 20 tháng 7, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết « Lời Giới Thiệu » cho Tuyển Tập 100 CA KHÚC TIỀN CHIẾN (Nhà xb TRẺ - Sài Gòn), có đoạn đầu như sau : Nhìn tập bản thảo để trước mặt - với bao nhiêu tên tuổi bạn bè mà đa số đã qua đời, tôi không thể không nhớ lại thời kỳ sơ khai của nền tân nhạc Việt nam, khi mà những nhạc sĩ như chúng tôi tự tìm tòi, mò mẫm học tập lý thuyết âm nhạc để sáng tác những bài hát đầu tay, mà lúc tác phẩm đã hoàn thành, vẫn chưa đủ tự tin để nhận mình là tác giả !

… và đoạn 5 :

Những nét nhạc, lời ca bật ra một lúc xuất thần nào đó đã để lại dấu ấn tượng khó phai mờ. Có những ca khúc người ta hát say mê mà không hề biết tên tác giả là ai. Chính những điều đó chứng minh cho sức mạnh truyền cảm của tác phẩm mà đến nay, trải qua 60 năm, vẫn còn sống mãi trong lòng người nghe.



(1) « Xuân Tươi » của Lê Mộng Nguyên viết năm 1945 (đăng trên báo Quốc Gia-Đặc San Tết Mậu Tý) được trình bày trên mạng từ ngày 08/12/2010 với giọng ca Đức Phú và hòa âm Võ Công Diên : http://hathaykhongbanghayhat.org/node/6624 và trên Website của NS Lê Dinh : www.ledinh.ca (Nhạc Thân Hữu).





Lê Mộng Nguyên (Paris, 21 th.11-2010)

* Giáo Sư TS Quốc Gia, Viện Sĩ Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp,
nguyên luật sư Tòa Thượng Thẩm Paris


















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com
  �